Nhiều năm qua, cùng với việc giúp người dân tại các cơ sở thêm điều kiện phát triển sản xuất, giảm nghèo và ổn định đời sống, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới nhân dân. Trong đó, đã chỉ đạo các huyện, thành phố quan tâm tới các xã, bản vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn, giúp nhân dân nắm vững pháp luật, vận dụng hiệu quả vào cuộc sống, đảm bảo hạn chế các vụ việc vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật...
Cán bộ kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại bản Nà Mạc, xã Mường Giôn.
Để thấy rõ hơn hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh thời gian qua, chúng tôi đã có những chuyến công tác đến với các cơ sở vùng sâu, vùng xa và khó khăn tại các huyện trong tỉnh. Qua thực tế tại cơ sở, thấy rõ vai trò quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với người dân. Những cơ sở nào làm tốt công tác này thì các bức xúc xã hội, vi phạm pháp luật hay tình trạng khiếu kiện vượt cấp, mất đoàn kết đã giảm hẳn. Tiêu biểu như tại địa bàn huyện Bắc Yên, trong nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và các phong trào thi đua, huyện đã tích cực gắn với chỉ đạo, triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến với các bản vùng cao trên địa bàn, nhất là tại các bản khó khăn. Qua đó, đã góp phần giúp nhân dân hiểu rõ hơn về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giảm đáng kể tình trạng người dân còn thiếu hiểu biết về những việc mình đang làm có vi phạm pháp luật hay không... Anh Hạng A Nủ, Trưởng bản Làng Sáng, xã Háng Đồng (Bắc Yên), cho biết: Bản có gần 100 hộ đồng bào dân tộc Mông. Cũng bởi điều kiện đi lại khó khăn, xa khu trung tâm nên trước đây, việc nắm và hiểu pháp luật của bà con trong bản còn nhiều hạn chế. Do vậy, có không ít hộ đã nghe theo kẻ xấu làm những việc vi phạm pháp luật... Mấy năm gần đây, nhờ có cán bộ xã đến nằm vùng ở bản tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, mở các lớp phổ biến giáo dục pháp luật, phát tờ rơi tuyên truyền bằng hình ảnh... nên bà con trong bản đã hiểu rõ hơn về những việc làm nào vi phạm, việc làm nào được pháp luật cho phép. Bây giờ, trong bản không còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, phá rừng làm nương hay nghe theo lời kẻ xấu làm trái quy định của pháp luật. Đặc biệt là phụ nữ trong bản, sau khi được phổ biến về Luật Hôn nhân và gia đình, chị em đã hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình, của người làm mẹ trong xã hội hiện nay...
Trước đây, huyện Phù Yên là một trong những huyện nghèo của cả nước với nhiều thành phần dân tộc chung sống, có địa bàn rộng, đi lại khó khăn. Bước sang năm 2018, huyện đã được ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a. Đây chính là kết quả của quá trình mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực thực hiện, trong đó, có sự góp sức không nhỏ của hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Hiện nay, huyện không chỉ xây dựng mỗi xã một tủ sách pháp luật với hàng trăm đầu sách, văn bản, thông tư hướng dẫn... mà còn đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật qua các kênh: Trực tiếp bằng hệ thống loa phát thanh, pa nô, áp phích, khẩu hiệu, tờ rơi hay sử dụng nhà văn hóa bản làm nơi phổ biến pháp luật với nhiều đầu sách, báo. Anh Triệu Văn Mừng, bản Khe Lành, xã Mường Thải (Phù Yên), nói: Năm nào bà con trong bản cũng được cán bộ đến tuyên truyền về các chủ trương, chính sách mà tỉnh, huyện và xã đang chuẩn bị triển khai, trong đó có các quy định mới của pháp luật. Việc đưa kiến thức pháp luật đến với người dân không chỉ giúp chúng tôi thực hiện pháp luật mà còn giúp người dân hiểu được quyền lợi, phát triển kinh tế đúng hướng, bảo vệ lợi ích của bản thân, cộng đồng và xã hội. Cũng nhờ hiểu biết pháp luật, trong nhiều năm qua trong bản không có tình trạng các hộ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, không tiếp tay cho kẻ xấu phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép. Cũng như bà con trong bản, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ huyện, xã, mấy năm nay gia đình tôi đã có thu nhập ổn định từ trồng cây ăn quả trên đất dốc từng bị bỏ hoang. Ngoài việc tăng thu nhập ổn định cho gia đình, chúng tôi còn phủ xanh được đất trống, đồi trọc.
Qua thực tế cho thấy, không chỉ các cơ sở vùng sâu, vùng xa mà tại các xã vùng biên giới, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân trong thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền các cơ sở đặc biệt quan tâm. Các cơ sở đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, giáo dục về pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Việc tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức như: Thông qua học tập chuyên đề về pháp luật ở cấp xã, bản; lồng ghép với những nội dung dự án xóa nghèo, dân số - kế hoạch hóa gia đình, văn hóa; tài liệu, sách báo, tủ sách pháp luật; ti vi, radio... Qua đó, những chuyển biến trong nhận thức cũng như việc làm của người dân trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giúp các xã biên giới ổn định được tình hình trên địa bàn...
Trong chuyến công tác tại xã Ngọc Chiến (Mường La), tại buổi làm việc với lãnh đạo xã, đồng chí Chủ tịch UBND xã Lò Văn Pháng đã khẳng định: Nắm và hiểu biết về pháp luật, mình cũng thành người tốt hơn, cuộc sống cũng khá lên nhiều hơn. Cán bộ xã hiểu biết pháp luật làm việc sẽ hiệu quả, khi đến với nhân dân sẽ được nhân dân tin tưởng hơn, không lo làm sai quy định của pháp luật. Như xã chúng tôi, mỗi khi triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đến với nhân dân rất thuận tiện, trong đó nổi bật là chương trình xây dựng nông thôn mới, phòng chống ma túy, xây dựng đời sống văn hóa. Bởi nhân dân trong xã đều nắm và hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!