Ngày 23/12, tại Hà Nội, các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2021 và định hướng nhiệm kỳ 2021-2025.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Sơn La có đồng chí Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Sơn La
Năm 2020, ngành Tư pháp đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch và điều hành thực hiện quyết liệt các nội dung nhiệm vụ của ngành. Việc tổng kết thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật, quản lý Nhà nước về luật sư, hợp tác quốc tế về pháp luật đều đạt kết quả tốt. Chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo được cải thiện tốt hơn. Đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Trong năm, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật, nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ 112 văn bản. Bộ Tư pháp đã thẩm định 28 đề nghị; các sở tư pháp thẩm định 294 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; toàn ngành đã thẩm định 5.808 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 405 dự thảo; các sở tư pháp thẩm định 4.162 dự thảo và 983 dự thảo do các phòng tư pháp thẩm định. Thông qua hoạt động kiểm tra, nhiều văn bản trái pháp luật được đề xuất xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội. Đặc biệt, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản đã tổ chức rà soát 10 chuyên đề, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh với gần 8.800 văn bản. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành trên 576.900 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,4%, với 53.000 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó có trên 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu toàn ngành Tư pháp tiếp tục tập trung quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng khóa XIII, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp. Tham gia nghiên cứu, xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chương trình xây dựng đề án, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021. Tập trung nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến do Bộ, ngành Tư pháp cung cấp lên mức độ 3, 4. Tổ chức có hiệu quả, thiết thực các phong trào thi đua do Bộ, ngành phát động, thúc đẩy sự lan tỏa các phong trào thi đua...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!