Hỏi: Các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp?
Đáp: Các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp là:
1. Khai thác, sử dụng trái phép, làm sai lệch, hủy hoại dữ liệu lý lịch tư pháp.
2. Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp sai sự thật.
3. Giả mạo giấy tờ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
4. Tẩy xoá, sửa chữa, giả mạo Phiếu lý lịch tư pháp.
5. Cấp Phiếu lý lịch tư pháp có nội dung sai sự thật, trái thẩm quyền, không đúng đối tượng.
6. Sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp của người khác trái pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân.
(Điều 8, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009)
Hỏi: Có bao nhiêu loại Phiếu lý lịch tư pháp? Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp?
Đáp: Có 2 loại Phiếu lý lịch tư pháp:
1. Phiếu lý lịch tư pháp số 1
- Cấp cho Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam.
- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
2. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
(Điều 7, Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009)
Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp:
1. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:
a) Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;
b) Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.
2. Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:
a) Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;
b) Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;
c) Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
(Khoản 1, Khoản 2 Điều 44, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009)
Hỏi: Nơi tra cứu thông tin về án tích để cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân? Thời hạn giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp?
Đáp: 1. Tra cứu thông tin về án tích có trước ngày 1 tháng 7 năm 2010 được thực hiện tại cơ sở dữ liệu của ngành Công an.
2. Trường hợp kết quả tra cứu thông tin tại cơ sở dữ liệu của ngành Công an chưa có đủ căn cứ để kết luận về tình trạng án tích của người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp: Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp liên hệ với Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng để tra cứu thông tin theo quy định.
3. Trường hợp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người đã từng là sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng để tra cứu thông tin.
(Điều 24, Điều 27 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp)
Thời hạn giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp:
1. Trường hợp người được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam chỉ cư trú ở một nơi, thời hạn là 10 ngày làm việc.
2. Trường hợp người được yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày.
3. Trong trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, ngay sau khi nhận được yêu cầu, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an thực hiện tra cứu thông tin lý lịch tư pháp của đương sự và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.
Lưu ý: Trường hợp sau khi đã tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích tại cơ quan Công an mà vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận hoặc nội dung về tình trạng án tích của đương sự có điểm chưa rõ ràng, đầy đủ để khẳng định đương sự có hay không có án tích thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp liên hệ với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến đương sự để tra cứu hồ sơ. Thời hạn tra cứu hồ sơ tại Tòa án không quá 5 ngày làm việc.
(Điều 24, Điều 25, Điều 26 Điều 27 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp)
Hỏi: Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1?
Đáp: 1. Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
2. Tình trạng án tích
a) Đối với người không bị kết án thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;
b) Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;
c) Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.
3. Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:
a) Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;
b) Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
(Điều 42, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009)
(còn nữa)
Linh Loan (Sở Tư pháp)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!