Hỏi - đáp Luật Khiếu nại

             

Hỏi: Luật khiếu nại được Quốc hội thông qua ngày tháng năm nào? Thời điểm có hiệu lực của Luật? Luật có bao nhiêu chương và bao nhiêu điều? Phạm vi điều chỉnh của Luật? Theo quy định của Luật, khiếu nại là gì?

             

Đáp: Luật Khiếu nại được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011; có hiệu lực từ ngày 1/7/2012. Luật có 8 chương và 70 Điều.

             

Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại.

             

Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 của Luật, khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

             

Hỏi: Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Khiếu nại là những hành vi nào? Thời hiệu khiếu nại là bao nhiêu ngày?

             

Đáp: Theo quy định tại Điều 6 của Luật, các hành vi bị nghiêm cấm gồm:

             

- Cản trở, gây phiền hà cho người thực hiện quyền khiếu nại; đe dọa, trả thù, trù dập người khiếu nại.

             

- Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật.

             

- Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định.

             

- Bao che cho người bị khiếu nại; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại.

             

- Cố tình khiếu nại sai sự thật;

             

- Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng.

             

- Lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác.

             

- Vi phạm quy chế tiếp công dân;

             

- Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

             

Theo quy định tại Điều 9 của Luật, thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

             

Hỏi: Các trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết gồm những trường hợp nào?

             

Trả lời: Theo quy định tại Điều 11, khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải quyết là:

             

- Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;

             

- Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

             

- Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;

             

- Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;

             

- Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;

             

- Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;

             

- Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

             

- Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;

             

- Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.

             

Linh Loan (Sở Tư pháp)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới