Hiểu luật, thấu tình, đạt lý của hòa giải viên ở vùng cao Co Mạ

Trong chuyến đi công tác cùng với các hòa giải viên, tuyên truyền viên xã Co Mạ (Thuận Châu) đến từng nhà hòa giải những mâu thuẫn, vướng mắc giữa các hộ trong bản, chúng tôi mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của những người làm công tác hòa giải, tuyên truyền pháp luật ở cơ sở.

 

Tổ hòa giải bản Co Mạ, xã Co Mạ (Thuận Châu) làm công tác hòa giải ở hộ gia đình.

 

Đến gia đình ông Và Chồng Gió và ông Và Khua Ly, bản Co Mạ để hòa giải việc tranh chấp đất đai giữa hai gia đình. Theo lời kể của hai bên và trưởng dòng họ Và thì diện tích đất trồng trọt của hai hộ giáp nhau, qua nhiều năm canh tác ranh giới phân chia bị mất đi; đồng thời, đây là khu vực chưa được cấp Giấy CNQSDĐ nên dẫn đến việc tranh chấp giữa hai hộ. Nhận được đơn kiến nghị của ông Và Chồng Gió, UBND xã đã có công văn trả lời và cử đoàn công tác trực tiếp xuống xem xét. Qua quá trình thực địa và căn cứ vào Luật Đất đai, Luật Hòa giải ở cơ sở... các hòa giải viên đã phân tích, đưa ra phương hướng giải quyết và tiến hành đo đạc phân chia ranh giới với sự đồng thuận của hai bên gia đình.

Ông Và Chồng Gió chia sẻ: Sau khi tổ công tác xuống làm rõ vụ việc và được các hòa giải viên giải thích cặn kẽ vấn đề, gia đình tôi đã nắm được các quy định của pháp luật và nhất trí với phương án giải quyết mà tổ công tác đã đưa ra. Nhờ có sự công tâm của tổ công tác, sự tận tình của các hòa giải viên mà hai gia đình chúng tôi không còn mâu thuẫn, lại vui vẻ, đoàn kết như ngày xưa.

Xã Co Mạ hiện có 8 tuyên truyền viên và 80 hòa giải viên, chia thành 21 tổ, phụ trách từng bản. Với diện tích rộng, địa hình đồi núi, chia cắt mạnh, dân cư phân bố không tập trung, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến quá trình tuyên truyền pháp luật và giải quyết các vụ việc tại cơ sở. Ông Vì A Thào, cán bộ tư pháp hộ tịch xã cho biết: Chúng tôi luôn chú ý tuyên truyền cho người dân qua các hình thức: Tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua tủ sách pháp luật, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật, công tác hòa giải, trợ giúp pháp lý... Tập trung vào nội dung: Hiến pháp năm 2013, Luật Hộ tịch, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo...

Bên cạnh đó, Ban Tư pháp hộ tịch xã còn triển khai lồng ghép các chương trình phổ biến giáo dục pháp luật vào các đợt hoà giải, các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ pháp luật, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội như: Hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên... Từ năm 2017 đến nay, Ban đã tổ chức hơn 30 buổi tuyên truyền pháp luật đến từng cụm bản, tiếp nhận 28 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; đã giải quyết 14 đơn thuộc thẩm quyền, trong đó có 3 đơn trùng nội dung, 2 đơn đang xác minh và 9 đơn đã chuyển lên cấp trên. Nội dung chủ yếu xoay quanh các vấn đề: tranh chấp đất đai, hộ dân gây ô nhiễm vệ sinh môi trường, vợ chồng bất hòa...

Ông Vừ A Tà, Tổ trưởng tổ hòa giải bản Huổi Dên cho biết: Mỗi khi có vụ việc, các thành viên tổ hòa giải chúng tôi phải nắm được thông tin chính xác, sau đó nghiên cứu các quy định của pháp luật để tìm hướng giải quyết, gặp gỡ các bên để nắm tâm tư, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp, từ đó chỉ rõ phải trái, giải thích cho các bên thấy được đúng sai, hiểu được quy định của pháp luật.

Với hoạt động tích cực của đội ngũ hòa giải viên, tuyên truyền viên, nhận thức về pháp luật của bà con vùng cao Co Mạ đang ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng tuyên truyền và hòa giải ở cơ sở cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với đội ngũ hòa giải viên, tuyên truyền viên ở vùng cao về cả nhân lực và vật lực như: mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức pháp luật và bổ sung thêm kinh phí cho các tổ hòa giải... giúp họ thêm gắn bó với công việc.

Thủy Tiên (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới