Giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận pháp luật

Những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, bản đặc biệt khó khăn và biên giới được các cấp, các ngành quan tâm, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ngay từ cơ sở.

Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với huyện Yên Châu, Đồn Biên phòng Chiềng On tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân.

Ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Sơn La đã thành lập Hội đồng PBGDPL tỉnh, chủ trì thực hiện ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện các đề án của Trung ương để tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số; chủ động tham mưu, phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền thông qua tổ chức các hội nghị, lồng ghép vào các buổi họp, giao ban, sinh hoạt đoàn thể; phát tờ rơi, tờ gấp, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ.

Hằng năm, Hội đồng PBGDPL Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức khảo sát thực tế tại cơ sở về nhu cầu thông tin, hình thức PBGDPL và tuyên truyền, vận động để lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm. Biên soạn, phát hành tài liệu cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác PBGDPL; xây dựng chuyên trang, chuyên mục đặc thù bằng các thứ tiếng dân tộc trên sóng phát thanh, truyền hình, trên các báo, tạp chí Trung ương, địa phương về PBGDPL và tuyên truyền chính sách dân tộc. Từ năm 2021 đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền về công tác dân tộc, cho hơn 1.200 bí thư, trưởng bản, ban công tác mặt trận và đoàn thể tại các bản đặc biệt khó khăn, thuộc các xã khu vực II, khu vực III về: Công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, nâng cao cảnh giác không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo gây mất đoàn kết, an ninh trật tự vùng biên giới; công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay. Tổ chức 11 hội nghị phổ biến pháp luật cho các hội viên phụ nữ, người dân về Luật Bình đẳng giới, các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, Luật Cư trú, Luật Biên phòng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma túy.

Thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, Hội đồng phối hợp PBGDPL Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với UBND các huyện Yên Châu, Thuận Châu, Mường La và Bắc Yên tổ chức 15 buổi ngoại khóa cho hơn 7.000 lượt học sinh tại các Trường PTDT Bán trú THCS xã Chiềng On, Chiềng Tương, Co Tòng, Pá Lông, Long Hẹ, Chiềng Muôn, Hồng Ngài, Hua Nhàn. Trong đó, chủ yếu tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, những hệ lụy tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các quy định về xử lý hành chính, hình sự trong tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra, còn tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan và cán bộ làm công tác dân tộc trong toàn tỉnh về các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các văn bản luật liên quan đến các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc.

Chiềng On là xã biên giới của huyện Yên Châu, với gần 1.290 hộ, trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Xinh Mun, còn lại là dân tộc Mông, Thái. Ông Sồng Lao Dia, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đã quan tâm đầu tư, khai thác tốt tủ sách pháp luật, hệ thống loa truyền thanh, các CLB pháp luật, tổ hòa giải ở cơ sở và phối hợp với Ban Dân tộc huyện, tỉnh, Đồn Biên phòng Chiềng On tuyên truyền BPGDPL đến người dân, đặc biệt là các bản xa trung tâm, khu nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, lồng ghép với các buổi họp tại bản, họp của các hội, đoàn thể về các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định canh định cư, ổn định sản xuất, không vượt biên trái phép; phát hiện tố giác những hành vi vi phạm buôn bán phụ nữ qua biên giới, vận chuyển buôn bán ma túy...

Phòng Dân tộc Yên Châu phối hợp với xã Chiềng On tuyên truyền bình đẳng giới cho người dân.

Anh Vì Văn Khằm, bản Đin Chí, xã Chiềng on, huyện Yên Châu chia sẻ: Được cán bộ tuyên truyền, PBGDPL về chủ trương, đường lối của Đảng, các luật và các hành vi vi phạm pháp luật; vận động bà con không tin, không nghe theo kẻ xấu, tích cực lao động phát triển kinh tế. Nhờ đó, tôi cùng các hộ dân trong bản hiểu biết hơn về pháp luật và chấp hành nghiêm các quy định, nội quy của xã, bản và không vi phạm pháp luật.

Qua triển khai các chương trình, đề án của Chính phủ, của tỉnh về công tác PBGDPL đã nâng cao nhận thức cho người dân trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, bản đặc biệt khó khăn và biên giới trên địa bàn tỉnh, góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới