Hiện nay, tình trạng nguồn thực phẩm không an toàn, trong đó có thực phẩm rau xanh không an toàn đang là vấn đề được xã hội quan tâm. Ở tỉnh ta, hầu hết các hộ sản xuất mới chỉ quan tâm đến năng suất và sản lượng rau mà ít chú ý đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng lúc, đúng cách vẫn thường xuyên xảy ra.
Nông dân xã Phiêng Cằm (Mai Sơn) chăm bón vườn rau xanh.
Ngoài các giải pháp đã và đang triển khai để hướng tới một nguồn rau an toàn bền vững thì tỉnh ta cần chỉ đạo các ngành chuyên môn cùng phối hợp để tiếp tục hoàn thiện, mở rộng các chuỗi rau an toàn. Trong đó, cần phải quan tâm quy hoạch vùng chuyên canh rau tập trung để sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm rau có chất lượng và an toàn. Đồng thời, cần nghiên cứu đưa vào sản xuất các giống rau có chất lượng và năng suất cao, đa dạng hóa các loại rau. Ông Đỗ Tất Xá, Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn, tổ 7, phường Chiềng Sinh (Thành phố), nói: Tôi có trên 20 năm làm nghề trồng rau các loại. Sau khi được tuyên truyền, được hỗ trợ điện, giếng khoan, nhà sơ chế, hệ thống tưới tiêu và sự giúp đỡ của cán bộ chuyên môn, chúng tôi đã tham gia vào chuỗi sản xuất rau an toàn từ năm 2015. Ban đầu chỉ có 4 hộ, giờ đã có 14 hộ tham gia. Sản phẩm của chúng tôi là cung cấp rau theo mùa cho thị trường trong tỉnh và cả Hà Nội. Nếu các hộ trồng rau nhỏ lẻ trong tỉnh đều quyết tâm và tham gia chuỗi thì việc đảm bảo nguồn rau an toàn bền vững có thể thực hiện được.
Ông Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh, cho biết: Ngoài việc đẩy mạnh giải pháp hoàn thiện và mở rộng các chuỗi rau an toàn hay tìm đầu ra cho các sản phẩm rau an toàn, Chi cục đang phối hợp với Sở Công Thương, thành phố Sơn La để tiến tới hình thành các cửa hàng phân phối thực phẩm đến người tiêu dùng. Theo đó, sẽ cải tạo các chợ truyền thống hiện nay thành chợ thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và sẽ chọn chợ 7-11 để triển khai. Cùng với đó, đơn vị đang triển khai Quyết định số 3067 ngày 17-12-2013 của UBND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đơn vị đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành Quyết định số 810 phê duyệt đề án thực hiện chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Viet GAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Hiện nay, đã được cấp trên 800 triệu đồng để triển khai thực hiện làm chứng nhận VietGAP và làm nhà lưới cho các hộ trong chuỗi. Song song với đó, Chi cục sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng những địa chỉ, cửa hàng làm tốt và chưa làm tốt, giúp người tiêu dùng trên địa bàn có sự lựa chọn đúng.
Cùng với các giải pháp trên, cần đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ trồng rau, nhất là tại các vùng sản xuất rau nhỏ lẻ, không sử dụng chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Trong đó, quan tâm tới việc tổ chức ký cam kết với các hộ trồng rau tại các cơ sở, kể cả các hộ trồng rau nhỏ lẻ trong việc tuân thủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Bởi lẽ, để bảo đảm có nguồn rau an toàn bền vững, phải bắt đầu từ nhận thức và hành động của các hộ trồng rau.
Hiện tại, tỉnh ta có các chuỗi sản xuất, cung ứng rau an toàn tại bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc; bản Ái, xã Mường Sang; bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu); bản Chiềng Phú, xã Chiềng Pằn (Yên Châu); bản Mai Tiên, xã Mường Bon (Mai Sơn); tổ 7 phường Chiềng Sinh (Thành phố); chuỗi sản xuất, cung ứng quả cam tại xã Mường Thải (Phù Yên); chuỗi sản xuất, cung ứng quả bơ tại bản Áng 2, xã Đông Sang (Mộc Châu); chuỗi sản xuất, cung ứng thịt lợn tại xã Chiềng Hặc (Yên Châu) và xã Cò Nòi (Mai Sơn); chuỗi sản xuất, cung ứng vịt trời tại xã Chiềng San (Mường La); chuỗi chăn nuôi lợn thịt Công ty TNHH chăn nuôi Chiềng Hặc tại xã Chiềng Hặc (Yên Châu). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 4 cửa hàng kinh doanh rau, củ, quả an toàn có xác nhận: Cửa hàng Quế Anh, 107B đường Tô Hiệu, phường Tô Hiệu; Cửa hàng Đại Nam, 166 đường Trần Đăng Ninh, phường Quyết Tâm (Thành phố); Cửa hàng Hưng Thuận, Tiểu khu 7 và Cửa hàng Tiến Huyền, Tiểu khu 40, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu). |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!