Đề xuất phạt tối đa 30 triệu đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực đối ngoại

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 8, chiều ngày 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế.

Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014. Do Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đối ngoại nên để có cơ sở quy định mức phạt đối với các hành vi vi phạm, theo quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đang xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại và xin ý kiến UBTVQH về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đối ngoại, cụ thể trong lĩnh vực hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và lĩnh vực hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.

Theo đánh giá, nhìn chung các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam đã tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, nhưng bên cạnh các mặt tích cực thì cũng thường mắc một số vi phạm điển hình như: cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động, lập văn phòng đại diện và văn phòng dự án tại Việt Nam khi chưa được cấp giấy phép đăng kí; vẫn triển khai các dự án khi chưa triển khai gia hạn giấy phép đăng kí; thuê trụ sở làm việc không xin phép hoặc không đúng địa chỉ như trong giấy đăng kí... Thậm chí, có một vài tổ chức tham gia hoạt động xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong mĩ tục, truyền thống và bản sắc dân tộc hoặc có hoạt động nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Trong lĩnh vực tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay, trong năm 2015 có 1.923 hội nghị, hội thảo quốc tế được các bộ, ngành trung ương và địa phương cấp giấy phép tổ chức, tăng khoảng 70% về số lượng so với năm 2014. Năm 2016 có 1.725 hội nghị, hội thảo quốc tế được cấp giấy phép, giảm 10% số lượng so với năm 2015 nhưng lại tăng khoảng 13% số lượng đại biểu quốc tế tham dự. Bên cạnh các mặt tích cực, việc tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế thường mắc các sai phạm điển hình như: tổ chứ hội nghị, hội thảo không xin phép hoặc xin phép nhưng không tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao hoặc các cơ quan, địa phương liên quan; tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế không theo đúng chương trình, đề án đã được phê duyệt...

Theo Thứ trưởng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành địa phương nghiên cứu căn cứ pháp lý, tình hình thực tiễn để đề xuất mức phạt tiền cao nhất với những vi phạm điển hình trong từng lĩnh vực, trên cơ sở đó đề xuất mức phạt tối đa chung cho lĩnh vực hoạt động đối ngoại.

Theo đó, đối với lĩnh vực hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, phần lớn hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là nhân đạo, thiện nguyện, việc vi phạm trong quá trình thành lập và hoạt động có thể do không nắm rõ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có một số tổ chức bên cạnh hoạt động hỗ trợ nhân đạo còn có những hành vi cố tình vi phạm, có những tổ chức lợi dụng kinh doanh thu lời. Việc làm này là trái với tôn chỉ, mục đích của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và vi phạm pháp luật Việt Nam.

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, Chính phủ nhận thấy cần quy định mức xử phạt chỉ đủ tính răn đe vì đây là lĩnh vực nhạy cảm. Do đó, đối với vi phạm trong lĩnh vực hoạt động này, Chính phủ kiến nghị mức phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng. “Đây là mức phạt tiền thấp nhất được quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, Chính phủ kiến nghị mức xử phạt tối đa với các vi phạm trong lĩnh vực này là 20 triệu đồng.

Thẩm tra Tờ trình Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình. Theo đó, đối với hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, trên thực tế thời gian vừa qua đã có một số tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực có tính nhạy cảm, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm là các tổ chức, cá nhân nước ngoài nên việc phạt tiền cũng chỉ nên ở mức tối đa là 30 triệu đồng.  Ngoài phạt tiền, cơ quan có thẩm quyền cũng có thể xử lý bằng các hình thức khác nhau tùy theo hành vi vi phạm như: đấu tranh ngoại giao, tước quyền sử dụng giấy phép, vi phạm nặng thì trục xuất...

Đối với hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, các vi phạm trong lĩnh vực này thường mang tính nhỏ lẻ, mức độ ảnh hưởng, tác động cũng không lớn; mức phạt tiền cần bảo đảm sự tương thích với mức xử phạt đối với những hành vi có tính chất tương đồng. Do đó, việc áp dụng mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm trong lĩnh vực này là 20 triệu đồng như Chính phủ đề xuất. Tuy nhiên, cần xác định rõ mức phạt tiền này là mức phạt tiền tối đa áp dụng đối với các cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng mức phạt tiền tối đa như Chính phủ đề xuất còn thấp, chỉ bằng hoặc thấp hơn mức thấp nhất trong các mức phạt tiền tối đa đã được quy định tại khoản 1 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Như vậy, chưa đủ tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, đồng thời cũng chưa mang tính dài hạn vì khi có biến động trượt giá hoặc khi xuất hiện các hành vi vi phạm mới có tính chất nghiêm trọng hơn trong các lĩnh vực này, cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính lên cao hơn thì Chính phủ lại phải tiếp tục xin ý kiến của UBTVQH. Loại ý kiến này đề xuất mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực này ở mức cao hơn, có thể là 50 triệu đồng và giao Chính phủ linh hoạt trong quy định cụ thể.

Sau khi các đại biểu thảo luận, UBTVQH  đã biểu quyết đồng ý đề xuất mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là 30 triệu đồng./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới