Hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), bám sát đối tượng, đảm bảo hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân.
Hằng ngày vào 11-12 giờ, hoặc 17-18 giờ, hệ thống loa truyền thanh ở các xóm, bản của xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai lại phát thông tin phổ biến một số chính sách pháp luật mới tới nhân dân trên địa bàn. Ông Lò Văn Vùng, xóm 5, chia sẻ: Thời điểm đó, nhân dân hầu hết đều ở nhà, nên có thời gian nghe, tiếp cận thông tin. Ngoài hệ thống loa truyền thanh, chúng tôi còn nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, các luật qua họp xóm, sinh hoạt tổ chức đoàn thể. Nhờ vậy, bà con không tin, không nghe theo kẻ xấu, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt hơn.
Còn tại xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, thông qua các buổi tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp đã giúp người dân hiểu rõ và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Chị Lò Thị Lan, bản Mé Bon chia sẻ: Những năm gần đây, bà con trong bản luôn đoàn kết, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, nhất là Luật Hôn nhân gia đình, Luật Giao thông đường bộ, tích cực tham gia bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường và giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các địa phương đã tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền như lồng ghép trong các hội nghị; phát hành tờ rơi, tờ gấp pháp luật, đĩa CD; hội thi tìm hiểu về pháp luật; phiên tòa giả định.... Lựa chọn phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; nạn nhân bạo lực gia đình; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những quy định mới của pháp luật; phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính; bảo vệ môi trường; đất đai; xử lý vi phạm hành chính; phòng, chống dịch bệnh; các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh... Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức gần 80.000 cuộc tuyên truyền cho trên 3 triệu lượt người; mỗi năm cấp phát 351.498 tài liệu tuyên truyền và 6.054 tài liệu được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số.
Trong xu thế công nghiệp 4.0, hình thức tuyên truyền, PBGDPL cũng được đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin, góp phần giảm chi phí, nhân lực trong quá trình thực hiện tuyên truyền. Các cổng, trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương đã giúp nhân dân tìm hiểu, tiếp cận, khai thác và sử dụng các văn bản thuộc nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, khi truy cập vào trang thông tin http://pbgdpl.sonla.gov.vn, lượng tin tức được đăng tải đa dạng, phong phú về hoạt động PBGDPL của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên của các cơ quan, đơn vị, biên tập, đăng tải các thông tin hoạt động từ cơ sở. Việc số hóa sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm PBGDPL bằng giấy để đăng tải trên trang thông tin cũng được đơn vị thực hiện. Ngoài ra, người đọc có thể tham gia hoạt động tư vấn pháp luật thông qua mục “Hỏi - đáp pháp luật”; tư vấn pháp luật trực tiếp... Thông qua đó, định hướng dư luận xã hội đối với các thông tin pháp luật không chính xác, không chính thống.
Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL luôn được tỉnh quan tâm. Toàn tỉnh có 165 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 374 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.628 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; duy trì 2.539 tổ hòa giải ở cơ sở, với 14.878 hòa giải viên. Bà Trần Thị Minh Hòa, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Việc đa dạng hóa các hình thức PBGDPL đã được các cấp, ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo, gắn PBGDPL với triển khai các phong trào hội, đoàn thể và các chương trình, đề án, như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày hội đoàn kết toàn dân”; chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2026... Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong chủ động tìm hiểu và chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Đưa pháp luật vào cuộc sống, các sở ngành, địa phương tiếp tục đa dạng hình thức tuyên truyền, PBGDPL giúp nhân dân nâng cao ý thức, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!