Ngăn ngừa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Luật Hôn nhân và Gia đình, từng bước nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức cho các em học sinh.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền về giới tính, sức khỏe sinh sản, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Trường THCS Hua La, thành phố Sơn La đã xây dựng kế hoạch tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền: Phát tờ rơi, treo pano, áp phích, lồng ghép tuyên truyền vào giờ học trên lớp và giờ sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình...
Thầy giáo Quàng Văn Vui, Hiệu trưởng Trường THCS Hua La, cho biết: Tuyên truyền giáo dục giới tính, truyền thông về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã cung cấp kiến thức, giúp các em nhận thức đúng về giới tính; trang bị hành trang để học sinh sẵn sàng bước vào những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì. Từ năm 2022 đến nay, nhà trường không còn trường hợp học sinh bỏ học do tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Tại Trường TH&THCS Tân Lập, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được nhà trường lựa chọn tổ chức qua hình thức cuộc thi tìm hiểu kiến thức. Cuộc thi gồm nhiều nội dung, như: Xây dựng tiểu phẩm kịch với tình huống phản ánh tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn; trả lời câu hỏi kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình..., đã tạo sân chơi bổ ích cho các em học tập, trao đổi kiến thức, tạo sức lan tỏa đến cộng đồng và xã hội tham gia đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Em Lò Thị Trâm Anh, Trường tiểu học và THCS Tân Lập, Mộc Châu, chia sẻ: Ngoại khóa tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng các hình thức cuộc thi, sân khấu hóa... rất sinh động, tạo sự hào hứng, giúp chúng em tiếp thu kiến thức dễ dàng, hiệu quả hơn. Chúng em rút được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời, tuyên truyền gia đình dần loại bỏ những hủ tục lạc hậu.
Học sinh lứa tuổi vị thành niên được xác định là đối tượng cần tuyên truyền nhiều nhất, bởi đây còn là lực lượng tuyên truyền viên tích cực nếu được tập huấn, bồi dưỡng. Do đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai đa dạng hình thức tuyên truyền, thông qua các cuộc thi tuyên truyền viên về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng hình thức sân khấu hóa; tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về Luật Hôn nhân và Gia đình, tuyên truyền giới tính, sức khỏe sinh sản...
Trong năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố tổ chức 21 hoạt động ngoại khóa tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học cơ sở vùng dân tộc thiểu số cho trên 10.000 lượt học sinh, giáo viên tham gia. Biên soạn, phát 10.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền nội dung về: Luật Hôn nhân và Gia đình, những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... cho học sinh. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình; nhân dân nhận thức được tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không chỉ có tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản, còn là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Năm qua, chất lượng dân số tỉnh từng bước được cải thiện; tuổi thọ bình quân tăng từ 70,7 tuổi năm 2017 tăng lên 71 tuổi năm 2022; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,4% giảm còn 1,23%; tỷ lệ tảo hôn giảm xuống còn 10,8%; tỷ lệ phụ nữ mang thai sàng lọc trước sinh là 22,9%, tăng 12,9% so với năm 2017.
Tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, dần xóa bỏ các hủ tục trong hôn nhân và gia đình, góp phần quan trọng trong việc xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa, cơ quan văn hóa. Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục chỉ đạo Phòng Dân tộc các huyện, thành phố duy trì, triển khai mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, thực hiện mục tiêu, giảm bình quân 2%-3%/năm số cặp tảo hôn và 3%-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt tại cơ sở trong việc tuyên truyền, tư vấn, giải quyết các vụ việc liên quan đến hôn nhân và gia đình tại thôn, bản; tăng cường thông tin và giáo dục cho học sinh trong độ tuổi 13-18 tuổi hiểu biết về sức khỏe sinh sản và nhận thức về hôn nhân và gia đình...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!