Chiều 11/4, Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp chuyên đề để cho ý kiến vào Dự án Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu cùng với phương án đề nghị sửa đổi bổ sung các Luật liên quan đến Luật quy hoạch. Đây là những dự án luật sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Toàn cảnh phiên họp.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, về về cơ bản, các tổ chức tín dụng yếu kém đã được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ, ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt một số tổ chức tín dụng đang nỗ lực tự xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, từ thực tiễn đã cho thấy quy định về thẩm quyền của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khi xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chưa đầy đủ, đi cùng với việc thiếu các giải pháp hỗ trợ tài chính hiệu quả để phục hồi các tổ chức tín dụng yếu kém. Do vậy, cần ban hành Luật riêng để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu.
Sau khi nghe ý kiến các thành viên Chính phủ, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc hoàn thiện các quy định về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu là việc rất cần thiết, rất cấp bách, nếu chậm trễ sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình điều hành kinh tế - xã hội.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đồng ý xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và dự thảo luật sửa đổi bổ sung sửa đổi một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, để trình Quốc hội xem xét cùng lúc.
Sau khi Chính phủ đã cho ý kiến vào phương án đề nghị sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến Luật quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật này cần thực hiện đúng trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai.
Thủ tướng nêu rõ, tại kỳ họp bắt đầu từ ngày 22/5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận nhiều báo cáo và các dự luật. Chính vì vậy, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các báo cáo, tờ trình liên quan, không để tình trạng chậm trễ như trước đây./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!