Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, việc ban hành luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành. Phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh…


Dự thảo Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 61 điều.


Tại phiên họp này, cơ quan soạn thảo xin ý kiến UBTVQH về phạm vi điều chỉnh và những nội dung quy phạm trong dự thảo Luật An ninh mạng.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình soạn thảo, cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo nhận thấy có 02 luồng ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh và những nội dung quy phạm trong dự thảo Luật An ninh mạng. Cụ thể, có ý kiến đề nghị cần thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng tập trung vào an ninh quốc gia, tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần xây dựng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật An ninh mạng không chỉ tập trung vào bảo vệ an ninh quốc gia, mà phải bảo đảm được trật tự an toàn xã hội, khi mà không gian mạng đã bao phủ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, không chỉ liên quan tới an ninh quốc gia mà còn liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Về vấn đề này, Chính phủ cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, không gian mạng đã xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và hiện diện trong hầu hết các hoạt động của con người. Việc sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật có thể được tiến hành không giới hạn về không gian, thời gian và có thể xảy ra trên mọi lĩnh vực cuộc sống. Từ đó, yêu cầu bảo vệ an ninh mạng được đặt ra đối với toàn bộ các lĩnh vực, hoạt động mà không gian mạng đang bao phủ nhằm bảo vệ được chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thời gian qua, tình hình an ninh mạng nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều nguy cơ thách thức không chỉ đối với yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia mà còn trật tự an toàn xã hội. Nhiều hệ thống thông tin nước ta đã trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc. Mỗi năm có hàng nghìn cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan chính quyền, các hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, trang web của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam... nhằm đánh cắp thông tin, bí mật nhà nước, thành tựu khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ. Các loại virus, mã độc, vũ khí mạng xuất hiện ngày càng nhiều, một số loại được thiết kế chuyên biệt, hết sức nguy hiểm. Trong khi đó hệ thống mạng thông tin nước ta còn nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, không được kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Các trang mạng cá độ, đánh bạc, đăng tải văn hóa phẩm đồi trụy, môi giới mại dâm, hoạt động đăng tải thông tin sai sự thật, thật giả lẫn lộn trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội chưa được kiểm soát, xử lý triệt để. Hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng cần được rà soát, kiểm tra, đánh giá thường xuyên hơn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Theo Bộ trưởng, các vấn đề trên cho thấy, nếu bảo vệ an ninh mạng chỉ tập trung vào bảo vệ an ninh quốc gia sẽ bỏ sót nhiều đối tượng, mục tiêu, nội dung cần bảo vệ, không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong khi thế giới đã có cách hiểu thống nhất, đồng bộ về an ninh mạng, nếu nước ta thu hẹp phạm vi và có cách hiểu không đồng nhất sẽ dẫn tới, không gian mạng quốc gia không được bảo vệ tương xứng, trở thành mục tiêu của các hành vi phạm tội; các hoạt động tương trợ tư pháp sẽ khó được triển khai khi quyền và lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân vẫn bị xâm phạm; gây khó khăn cho công tác bảo vệ của cơ quan chức năng và trong triển khai hoạt động hợp tác quốc tế. Mặt khác, mục tiêu xây dựng Luật An ninh mạng là nhằm tạo ra công cụ pháp lý đầy đủ cho các bộ, ngành chức năng để vừa phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG), trật tự an toàn xã hội (TTATXH), bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, góp phần hình thành một không gian mạng lành mạnh cho toàn thể cộng đồng, xã hội.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết với những lý do nêu trên, Chính phủ cho rằng, dự thảo Luật An ninh mạng xác định phạm vi điều chỉnh là “quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là phù hợp với xu hướng chung của thế giới và khu vực, bảo đảm yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đều đồng tình cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng; với phạm vi điều chỉnh của dự luật vì cho rằng công tác quản lý và vận hành hạ tầng thông tin, viễn thông thời gian qua còn bị các thế lực thù địch lợi dụng để tiến hành các hoạt động tấn công, phá hoại hệ thống thông tin mạng, xâm phạm độc lập, chủ quyền, ANQG, TTATXH, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật An ninh mạng có nhiều nội dung chưa tách bạch rõ ràng giữa an ninh mạng với an toàn thông tin mạng; nhiều nội dung trùng lặp với quy định của Luật An toàn thông tin mạng (như giải thích từ ngữ, hệ thống thông tin quan trọng về ANQG, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an ninh mạng, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng…). Do đó đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát các nội dung trong dự thảo Luật để tránh quy định chồng chéo với các luật khác liên quan./.