Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 đã chỉ rõ nhiều địa chỉ gây thất thoát, lãng phí.
Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, chiều 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2016.
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, điểm mới trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là đã kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài). Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia; tập trung cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, đồng thời nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại; cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp…
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ với về Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá, năm 2016, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng được chú trọng, quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đáng khích lệ vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, yếu kém cần tiếp tục khắc phục.
Ông Nguyễn Đức Hải chỉ ra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn chậm, thực hiện chưa nghiêm. Việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tuy đã được siết chặt gắn với yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả nhưng có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Chi ngân sách nhà nước (NSNN) còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, gây thất thoát, lãng phí NSNN ở các mức độ khác nhau. Báo cáo thẩm tra chỉ rõ: “Năm 2016 nhiều địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh (tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng đề mua quà tặng dịp thành lập tỉnh), cùng với đó là việc in ấn các kỷ niệm chương (Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua kỷ niệm chương 80 năm ngày truyền thống) gây lãng phí và tốn kém trong thời gian qua”.
Mặt khác, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra việc mua sắm, sử dụng tài sản Nhà nước vẫn còn tình trạng không kịp thời, chưa phù hợp và vượt tiêu chuẩn quy định; vẫn còn tình trạng chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc, xe ô tô công có lúc, có nơi chưa nghiêm; việc xử lý, thanh lý tài sản còn xảy ra thất thoát, lãng phí, nhất là đối với xe ô tô công và gây nhiều bức xúc trong nhân dân (bán thanh lý không qua đấu giá,…). Theo tài liệu tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Ban Tuyên giáo Trung ương thì sau khi thực hiện các quy định mới về chế độ trang bị, sử dụng xe ô tô công, dự kiến sẽ dôi ra khoảng 7.000 chiếc; mua sắm công không thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, xác định giá gói thầu không hợp lý, dẫn đến giá mua sắm cao bất hợp lý nhất là trong lĩnh vực y tế như tại tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Bắc Kạn...
Về lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ một số bộ, ngành, địa phương chưa quán triệt đầy đủ các quy định trong việc phân bổ vốn đầu tư như: phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí; bố trí vốn dàn trải, manh mún, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án, gây lãng phí thời gian, vốn đầu tư; nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử lý triệt để. Theo Báo cáo của Chính phủ tính đến hết kế hoạch năm 2016, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách trung ương là 9.557,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, công tác quản lý các dự án đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) còn nhiều vướng mắc, hạn chế, nhiều sai phạm. Báo cáo nêu rõ: “11/27 Dự án còn chưa chính xác làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng, một số dự án lớn tăng tổng mức đầu tư ban đầu lên 100%, nhiều dự án trong 27 dự án BOT được kiểm toán phải rút ngắn từ 5-7 năm thu phí, tổng cộng tất cả các dự án phải giảm hơn 100 năm thu phí, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm chi phí vốn đầu tư của các dự án là 4.500 tỷ đồng; việc quản lý nhà nước được giao cho nhiều cơ quan thực hiện và thiếu các chế tài quản lý, giám sát nên tính hiệu lực trong tổ chức thực hiện chưa cao. Việc đặt các trạm thu phí còn nhiều bất cập gây bức xúc trong nhân dân ở nhiều địa phương Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An và Thái Bình... (trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, trạm thu phí Tam Nông tỉnh Phú Thọ, trạm thu phí Thanh Nê tỉnh Thái Bình...).
Mặt khác, cơ quan thẩm tra cũng đánh giá, chất lượng công tác quy hoạch, quản lý dự án đầu tư vẫn còn bất cập, một số dự án đầu tư, nhất là dự án sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, không trả được nợ, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ. Qua dư luận và ý kiến của cử tri vẫn còn có một số dự án sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước lãng phí, hiệu quả kém như: Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được khởi công xây dựng từ năm 2005 với tổng mức đầu tư 1.510 tỷ đồng đến nay vẫn chưa hoàn thành; Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được khởi công từ 2006 với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt 18.408 tỷ đồng, tuy nhiên, qua nhiều lần điều chỉnh đến nay tổng mức đầu tư đội lên thành 36.000 tỷ đồng và chưa ấn định được thời gian hoàn thiện dự án.
Trong tổ chức bộ máy nhà nước quản lý, sử dụng quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ còn hạn chế và bất cập, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đánh giá: việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức và tỷ lệ tinh giản biên chế chưa đạt được mục tiêu đề ra, các giải pháp chưa được thực hiện quyết liệt, đồng bộ; quy định về quản lý cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, bất cập; việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức không đúng quy định, buông lỏng, tại một số bộ, ngành, địa phương còn xảy ra tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đúng theo quy trình, quy định của pháp luật, dẫn đến nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua; chi lương lớn, chiếm tỉ trọng lớn trong chi thường xuyên, chi sự nghiệp...
Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước của doanh nghiệp nhà nước có chuyển biến song chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu, Báo cáo thẩm tra thẳng thắn “điểm mặt” một số dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn trước không đạt hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn, gây lãng phí, thất thoát lớn tài sản nhà nước chưa được khắc phục như: 12 dự án đầu tư của các doanh nghiệp thuộc ngành Công thương với số vốn khoảng 30.000 tỷ đồng: Vinashin, Giấy Phương Nam, Xơ sợi Đình Vũ, các dự án nhiên liệu sinh học, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy gang thép Thái Nguyên...
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH bày tỏ cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lưu ý, Chính phủ nên nhấn mạnh, tuyên dương một số địa phương đã làm tốt công tác tinh giản biên chế, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, như thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh… bởi đây là hình thức động viên các địa phương đã làm tốt và để các địa phương khác cùng noi theo.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ cần rà soát lại các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cao hơn, bởi những hạn chế, tiêu cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn chưa được khắc phục, còn kéo dài nhiều năm.
Cũng trong chiều nay, UBTVQH cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!