Xây dựng nông thôn mới ở Sam Kha

Những năm qua, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, xã Sam Kha (Sốp Cộp) đã phát huy tối đa nội lực để xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một cải thiện. Tuy nhiên, hiện xã mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí, với những “nút thắt” khó khăn cần tháo gỡ.

 

 

Đường nội bản Nậm Tỉa, xã Sam Kha đã được đổ bê tông.

 

Ông Lò Văn Hặc, Chủ tịch UBND xã Sam Kha, cho biết: Xã Sam Kha có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn nên quỹ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp ít, xuất phát điểm thấp về kinh tế - xã hội nên gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Trong 12 tiêu chí còn lại, khó khăn nhất là các tiêu chí giao thông, thu nhập, hộ nghèo.

 

Địa hình của xã chia cắt, dân cư sống phân tán nên gây bất lợi cho việc đi lại, giao thương phát triển kinh tế. Hệ thống giao thông của xã chưa đồng bộ, chủ yếu là đường đất, thường xuyên xảy ra sạt lở khi mưa bão. Bên cạnh đó, nguồn nguyên vật liệu tại chỗ không có, phải vận chuyển từ nơi khác tới khiến giá thành đội lên cao. Do đó để xây dựng đường nông thôn cần nguồn lực rất lớn. 5 năm qua, xã đã mở 27 tuyến đường nội bản và liên bản và thực hiện đổ bê tông 3 km tại các bản: Nậm Tỉa, Púng Sáng, Sam Kha, Phá Thoóng, Pu Sút và Nà Trịa với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 2,9 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 922 triệu đồng. Tỷ lệ đường nội bản và đường liên bản được cứng hóa của xã mới chỉ đạt 5%. Xã cũng chưa có đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa, vật tư, phân bón...

 

Tìm hiểu thêm được biết, các tiêu chí về trường học; cơ sở vật chất văn hóa; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn… cũng là những “nút thắt” khó gỡ cho xã Sam Kha. Hiện nay, xã chưa có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao; chưa có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định; chưa có chợ nông thôn hoặc nơi mua bán, trao đổi hàng hóa; tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề quá thấp; tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường vẫn là 0%. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của trường học các cấp chưa đảm bảo đạt chuẩn quốc gia... Tiêu chí thu nhập và hộ nghèo cũng là những tiêu chí khó thực hiện với xã Sam Kha. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện vẫn còn rất cao 78,77%; thu nhập bình quân mới đạt 8,4 triệu đồng/người/năm. Điều khó nhất để thực hiện tiêu chí thu nhập chính là cơ cấu kinh tế của địa phương, chủ yếu là nông nghiệp, trong khi việc sản xuất của người dân còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư đồng bộ. Diện tích lúa nước rất ít; người dân canh tác chủ yếu trên đất nương, độ dốc lớn, đất nhanh bạc màu, năng suất thấp. Một nguyên nhân nữa, 92% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí không đồng đều, cùng với tập quán canh tác của đồng bào ảnh hưởng tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù thời gian qua, chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, tăng mức thu nhập, như: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế…, nhưng hiệu quả mang lại còn hạn chế. Hằng năm, diện tích lúa đông xuân toàn xã chỉ có 1,8 ha, lúa mùa hơn 60 ha; sắn hơn 240 ha; cây ăn quả gần 63 ha; tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 23.600 con; diện tích nuôi trồng thủy sản gần 14,6 ha. Được biết, Sam Kha đang triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, song còn bộc lộ nhiều bất cập, ví dụ như: 1 hộ nghèo chỉ được hưởng 1 lần trong cả giai đoạn; hỗ trợ hộ nghèo cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản chỉ được 1,5 triệu đồng/hộ; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi định mức 10 triệu đồng/hộ... Mức hỗ trợ này chưa đủ giúp cho người dân phát triển kinh tế để thoát nghèo.

 

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, hiện xã Sam Kha đã xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó ưu tiên đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, giúp nhau giảm nghèo... Lồng ghép chương trình xây dựng nông mới với các chương trình, dự án khác, như: Chương trình 135, 130, Chương trình giảm nghèo để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế; đẩy mạnh tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2025, xã đạt 12 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, thu nhập bình quân đạt 16 triệu đồng/người/năm; 100% bản có nhà văn hóa; 77,8% bản có đường ô tô đến trung tâm bản được cứng hóa; có 1 trường đạt chuẩn quốc gia… Bên cạnh sự nỗ lực của xã, rất cần được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ để xã giảm bớt khó khăn.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới