Xây dựng nông thôn mới ở huyện biên giới

Thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, huyện Sốp Cộp đã triển khai đồng bộ các giải pháp,. từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...

Giọng nữ
Một góc trung tâm xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp hôm nay.

Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Xuất phát điểm thấp nên khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Sốp Cộp gặp không ít khó khăn. Toàn huyện có 8 xã, địa bàn rộng, giao thông đi lại phức tạp do địa hình đồi núi chia cắt. Hạ tầng cơ sở còn thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trong khi nhu cầu vốn để triển khai các nội dung theo quy hoạch lại quá lớn so với khả năng và nguồn lực của địa phương.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa hình thành vùng sản xuất tập trung. Các mô hình tổ chức sản xuất còn hạn chế, sự liên kết giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với nông dân chưa chặt chẽ, hiệu quả hợp tác chưa cao. 

Trước thực tế đó, huyện đã tập trung chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế từng xã. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM. Các phong trào thi đua như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Phụ nữ chung sức xây dựng NTM”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM”… được phát động rộng rãi, tạo khí thế sôi nổi và sự đồng thuận trong cộng đồng. Huyện huy động các nguồn lực, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án để xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.

Trong giai đoạn 2020–2024, huyện Sốp Cộp đã huy động được gần 19,5 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Từ nguồn vốn này, huyện đã đầu tư xây dựng 7 công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, nhà văn hóa và các hạng mục phụ trợ khác. Các doanh nghiệp, HTX, tổ chức và cá nhân trên địa bàn ủng hộ hơn 1 tỷ đồng; người dân tự nguyện đóng góp trên 1,3 tỷ đồng, hiến hơn 25 ha đất và hàng nghìn ngày công để xây dựng, cải tạo đường giao thông nông thôn, công trình công cộng. Những kết quả này là minh chứng rõ nét cho sự chung sức, đồng lòng giữa chính quyền và nhân dân huyện Sốp Cộp trong hành trình xây dựng nông thôn mới.

Nhiều tuyến đường xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, được đầu tư xây dựng.

Giai đoạn 2016-2020, huyện có 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM là xã Sốp Cộp và xã Dồm Cang. Tuy nhiên, từ năm 2021, việc đánh giá xã đạt chuẩn NTM được thực hiện theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025, trong đó, hầu hết các tiêu chí và chỉ tiêu đều được nâng cao hơn so với giai đoạn trước. Qua rà soát, đến nay, xã Sốp Cộp đạt 18/19 tiêu chí; xã Dồm Cang đạt 13/19 tiêu chí; xã Púng Bánh đạt 11/19 tiêu chí; các xã Mường Và và Mường Lạn cùng đạt 9/19 tiêu chí; xã Nậm Lạnh đạt 8/19 tiêu chí; xã Mường Lèo đạt 6/19 tiêu chí và xã Sam Kha đạt 5/19 tiêu chí.

Theo kế hoạch, năm 2025, xã Púng Bánh phấn đấu đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế, để hoàn thành các tiêu chí còn lại, xã này cần nguồn lực đầu tư lớn, ước tính khoảng 73 tỷ đồng. 

Trụ sở xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp được đầu tư xây dựng khang trang.

Phát triển kinh tế là trọng tâm

Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện tập trung chỉ đạo quy hoạch lại vùng sản xuất, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ con giống, cây trồng cho người dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán sản xuất tự cung, tự cấp trước đây sang phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển nông nghiệp bền vững. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả ở xã: Dồm Cang, Mường Và, Mường Lạn; trồng cây cà phê ở xã: Dồm Cang, Nậm Lạnh, Mường Và, Púng Bánh…

Người dân xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, phát triển thương mại - dịch vụ.

Cùng với xây dựng hạ tầng, huyện Sốp Cộp chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện khuyến khích các xã đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc theo hướng gia trại, trang trại tập trung, phát triển đàn trâu, bò. Đồng thời, chú trọng đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế tập thể. Nhiều HTX được thành lập và hoạt động hiệu quả, trở thành yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giai đoạn 2020–2024, từ nguồn vốn các chương trình, dự án, huyện đã hỗ trợ giống, phân bón cho nông dân trồng 35 ha dứa queen; hỗ trợ phân bón trồng hơn 250 ha cà phê; cấp 1.250 con gia súc cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số gặp khó khăn… với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống và thu nhập của người dân từng bước được cải thiện.

Xã Dồm Cang, đạt chuẩn NTM năm 2019, hiện mới hoàn thành 13/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Ông Tòng Văn Nghịch, Chủ tịch UBND xã Dồm Cang, thông tin: Xã đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ giao thương và phát triển sản xuất. Các tổ chức đoàn thể tích cực tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ hơn 30 tỷ đồng, giúp hội viên có vốn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực ở Dồm Cang. Nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định từ 150–300 triệu đồng/năm nhờ trồng cà phê. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đến năm 2024 giảm xuống còn 11,53%. Ông Vì Văn Hiên, bản Dồm, chia sẻ: Năm 2018, gia đình trồng 1 ha cà phê, thấy hiệu quả nên mở rộng lên 4 ha. Vụ vừa qua, gia đình thu về hơn 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm, tôi ươm khoảng 3 vạn bầu giống cà phê, bán cho các hộ dân trong vùng, thu thêm 25–30 triệu đồng mỗi vụ.

Lãnh đạo xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp (bên trái) trao đổi với người dân về phát  triển cây cà phê.

Tại xã Mường Và, nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa xã, bản, các khu thể thao, khu vui chơi được đầu tư xây dựng khang trang. Người dân thay đổi tư duy trong làm kinh tế; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đưa cây, con giống mới, năng suất cao vào sản xuất. Trên cơ sở định hướng, nông dân xã đã khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng các mô hình mang lại hiệu quả, thu nhập cao.

Bà Lò Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Mường Và, cho biết: Đến nay, xã có 2 sản phẩm gạo nếp tan và cam Nà Mòn đạt sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Năm 2025, xã Mường Và tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ sinh kế và đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nhân dân. Phấn đấu duy trì 590 ha cây ăn quả; 57.467 con gia súc, gia cầm; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất đạt 37 triệu đồng/ha; giá trị hàng hóa nông sản đạt 1.080 tỷ đồng.., góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

Nông dân xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, chăm sóc diện tích cây ăn quả.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chương trình xây dựng NTM ở huyện biên giới Sốp Cộp đang phát huy hiệu quả, đặc biệt là vai trò chủ thể, tinh thần trách nhiệm và sự đồng lòng của người dân. Với quyết tâm cao, huyện Sốp Cộp tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới