Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo các xã trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phong phú, việc làm ổn định, đời sống của nhân dân ngày một nâng cao. Đó là nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp cùng sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc đã và đang tạo động lực cho chủ trương xây dựng nông thôn mới trở thành hiện thực.
Lắp đặt hệ thống chiếu sáng tuyến đường tại bản Xum, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn.
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 54 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; duy trì, giữ vững thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, được Thủ tướng Chính phủ công nhận từ năm 2019. Ngoài ra, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Kết quả này là nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung sức đồng lòng của người dân, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, đơn vị.
Tuy nhiên, chương trình xây dựng nông thôn mới còn không ít “nút thắt” cần tháo gỡ. Trong đó, công tác duy trì và nâng cao chất lượng, bền vững các tiêu chí sau đạt chuẩn xã nông thôn mới ở nhiều địa phương chưa thường xuyên, chỉ đạo triển khai thực hiện thiếu quyết liệt. Đối với những xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều tiêu chí đạt tỷ lệ thấp. Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg quy định bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 với nhiều tiêu chí cao hơn so với bộ tiêu chí cũ. Cụ thể, các địa phương phải đạt một số tiêu chí như: Thu nhập bình quân đầu người tối thiểu 39 triệu đồng/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ hộ có đăng ký trực tiếp và sử dụng điện thường xuyên đạt 95% trở lên... Đây là nỗ lực không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương trong những năm tới.
Đầu năm 2022, trước khi bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới được ban hành, theo dự kiến, toàn tỉnh có 6 xã đăng ký về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra tiến độ thực hiện, rà soát đối chiếu bộ tiêu chí, chỉ còn 4 xã: Chiềng Mung, huyện Mai Sơn; Tông Cọ, huyện Thuận Châu; Nà Mường, huyện Mộc Châu và xã Tân Phong, huyện Phù Yên đủ điều kiện đăng ký về đích nông thôn mới. Nguyên nhân do một số tiêu chí khó thực hiện như: Hộ nghèo, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật...
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, cho biết: Các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao đều là những địa phương có điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế. Giai đoạn 2021-2025, các xã còn lại sẽ gặp nhiều trở ngại hơn vì điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để hiện thực thành công các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025, có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 28 xã so với năm 2021); trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 15 xã so với năm 2021) và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã dưới 15 tiêu chí.
Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh chỉ đạo các địa phương, ngành liên quan kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện tiêu chí nông thôn mới do đơn vị phụ trách để kịp thời hướng dẫn và thực hiện nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giúp người dân thay đổi nhận thức tự vươn lên trong xây dựng nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trên cơ sở bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, huyện Thuận Châu đang tiến hành rà soát tổng thể toàn bộ các xã, bản để xây dựng lộ trình xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu, cho biết: Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm chứ không dàn trải; vướng ở đâu, tháo gỡ ở đó; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân. Bên cạnh đó, chú trọng việc huy động nguồn lực đóng góp trong nhân dân; lấy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các tiêu chí khác.
Chiềng Mung, huyện Mai Sơn một trong những xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2022. ông Hoàng Công Dũng, Bí thư Đảng ủy xã, thông tin: Đối với 5 tiêu chí chưa đạt là giao thông; cơ sở vật chất văn hóa; nhà ở dân cư; y tế; môi trường và an toàn thực phẩm, xã đang tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu đúng chủ trương, cơ chế, chính sách về xây dựng nông thôn mới, nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Hướng dẫn nông dân chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, mở rộng diện tích vùng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ. Kịp thời rà soát, điều chỉnh bổ sung nội dung, kế hoạch theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đảm bảo tính đồng bộ giữa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu với phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch phát triển các khu dân cư mới theo hướng văn minh.
Với quan điểm “xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu mà không có kết thúc”, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, rất cần sự chung sức, đồng lòng của người dân để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương đi vào thực chất, bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!