Thành phố Sơn La đột phá thực hiện Nghị quyết về “tam nông”

Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thành phố Sơn La đã đạt được nhiều kết quả nổi bật ở nhiều mặt, lĩnh vực nông nghiệp chuyển biến tích cực, tư duy sản xuất của người dân thay đổi từ tự cung, tự cấp sang trồng, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn mới khang trang, khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Đưa Nghị quyết số 26 vào cuộc sống, Thành phố đã cụ thể hóa bằng việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và các chương trình, đề án, dự án quan trọng về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Điển hình, chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013-2020; Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 đã ban hành Nghị quyết về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 để tập trung thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển nông dân.

           

Đến nay, Thành phố có trên 4.900 ha cà phê; trên 4.000 ha cây ăn quả các loại; mô hình trồng rau quy trình VietGAP và hoa tại bản Ái, bản Tông (xã Chiềng Xôm), bản Sẳng, HTX 3 (phường Chiềng Sinh), bản Cọ, bản Hài, bản Bó (phường Chiềng An), nhất là mô hình trồng chuối tiêu hồng, bản Muông (Chiềng Ngần) đạt giá trị kinh tế cao.

           

Mô hình trồng chuối tiêu hồng ở bản Muông, xã Chiềng Ngần.

Ông Cà Văn Pành, bản Muông, phấn khởi: Gia đình tôi chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng 300 gốc chuối tiêu hồng. Sau 10 tháng, vườn chuối cho thu hoạch lứa đầu tiên, với mức giá trung bình từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Niêm vụ 2020 nhà tôi đã thu gần 100 triệu đồng.

           

Mô hình trồng măng tây bản Sẳng, xã Chiềng Xôm.

          

Hiện, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Chiềng Xôm đã chuyển đổi đất ruộng sang trồng măng tây cho hiệu quả kinh tế khá cao. Năm 2008, ông Tòng Văn Sinh, thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ bản Sẳng, xã Chiềng Xôm đã chuyển đổi 500 m² đất ruộng sang trồng măng tây. Sau 6 tháng trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch, đem lại giá trị kinh tế cao. Dù chỉ trồng diện tích nhỏ, nhưng ngày nào gia đình ông cũng có sản phẩm bán. Giờ đây, bình quân thu 2-5 kg măng/ngày. Ông Sinh, nói: Với giá giao động từ 50.000-100.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi tháng vườn măng tây đen lại thu nhập cho gia đình khoảng 5 triệu đồng. Chúng tôi còn vinh dự được chọn là 1 trong 10 mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Chiềng Xôm. Để vùng chuyên canh nông sản phát triển bền vững, các hộ dân trên địa bàn Thành phố đã thay đổi tư duy, liên kết thành lập 59 HTX, 1 Liên hiệp HTX nông sản an toàn Sơn La, 2 tổ hợp tác, với trên 1.000 thành viên. Nâng cao chất lượng nông sản, các hộ dân còn ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm cho 8,81 ha rau, cây ăn quả, hoa trồng; 3,36 ha trồng rau, hoa, quả trong nhà lưới, nhà kính; trên 1.700 ha cây ăn quả ứng dụng giống chất lượng cao; 2 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống; 12 doanh nghiệp, HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong trồng trọt và chăn nuôi, tổng diện tích cây trồng được cấp giấy chứng nhận VietGAP là 130 ha; phát triển được 12 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; đề xuất 8 doanh nghiệp, HTX đủ điều kiện cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La”, “Xoài Sơn La”, “Nhãn Sơn La”; hỗ trợ các chủ thể sản xuất phát triển 8 sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh, trong đó sản phẩm cà phê bột nguyên chất của HTX cà phê Bích Thao đạt sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia.

           

Gian hàng rau, củ, quả sạch của HTX Nông nghiệp 26/3 tại Chợ mùng 7/11.

           

Sau gần 5 năm thành lập, HTX Nông nghiệp xanh 26/3, phường Chiềng Sinh đã gặt hái thành công với ngành nghề chính là sản xuất, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn đạt chứng nhận OCOP, sản xuất các loại nấm tươi và khô. Bà Phạm Diệu Vân, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX hiện có 15 thành viên, đang duy trì 3 ha trồng các loại rau, củ, quả theo mùa và liên kết với các hộ sản xuất trên địa bàn huyện Mai Sơn, thành phố Sơn La ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nhà màng, nhà lưới để trồng các loại rau hữu cơ, rau trái vụ, diện tích liên kết trên 5 ha. Trung bình mỗi ngày, HTX cung ứng hàng tấn rau cho chuỗi cửa hàng rau, hoa quả sạch tại các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố, cung cấp cho các đơn vị trường học trên địa bàn; xây dựng chuỗi cửa hàng gắn liền với hệ thống VinMart tại Sơn La bước đầu nhận được phản hồi tốt từ khách hàng. Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố, thông tin: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26, đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kinh tế nông nghiệp có bước đột phá, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt 1.499 tỷ đồng, tăng 8,37 lần so năm 2008; cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bước đầu hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 5,63% năm 2008 xuống còn 0,49% năm 2020. Đến nay, Thành phố có xã Chiềng Xôm và Chiềng Cọ đạt NTM nâng cao, 3 xã còn lại đạt xã nông thôn mới.Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, không đồng đều; ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp; các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản chưa gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu. Tình trạng “được mùa mất giá” vẫn diễn ra. Việc huy động nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện Chương trình xây dựng NTM còn nhiều khó khăn.

           

Người dân xã Chiềng Cọ thực hiện bê tông hóa đường giao thông nội bản.

           

Quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền, đồng hành của doanh nghiệp và sự đồng thuận cao của người dân, cùng những giải pháp thiết thực, tin rằng những khó khăn sớm được tháo gỡ và Thành phố sẽ sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra theo lộ trình. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 20-30% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; thu hút đầu tư, hoàn thành đi vào hoạt động 1 cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản; 1 Trung tâm thu mua, bảo quản nông sản và giới thiệu nông sản đặc sản của tỉnh Sơn La và thành phố Sơn La; có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao...

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới