Tân Phong chuyển hướng sản xuất, tăng thu nhập cho nhân dân

Tân Phong là một trong những xã thuộc vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình của huyện Phù Yên. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh và tích cực tìm hướng phát triển sản xuất phù hợp, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân.

Phát triển kinh doanh thương mại tại trung tâm xã Tân Phong (Phù Yên).

Trước đây, Tân Phong có 100 ha đất ruộng, khi nước hồ thủy điện dâng cao, số diện tích này bị ngập dưới lòng hồ. Toàn xã chỉ còn trên 2.100 ha đất nương dốc. Bà con chủ yếu trồng các loại cây lương thực ngắn ngày như: ngô, sắn, lúa nương. Tuy nhiên, do đất bị xói mòn, bạc màu, năng suất cây trồng ngày càng giảm, có người dân chuyển sang nghề lái thuyền chở khách hoặc đánh bắt cá để mưu sinh; có người đi làm công nhân tại khu công nghiệp ở các tỉnh miền xuôi…

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, ông Đinh Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Tân Phong, cho biết: Xã đã vận động nhân dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất bền vững. Thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, xã đã mời cán bộ khuyến nông huyện về hướng dẫn kỹ thuật và lựa chọn giống cây trồng cho người dân theo cách “cầm tay chỉ việc”. Nhất là các loại cây ăn quả nhãn, xoài giống địa phương được cắt ghép giống nhãn, xoài lai có giá trị kinh tế cao hơn. Đến nay, bà con cải tạo được trên 20 ha vườn tạp và trồng mới được 25 ha cây ăn quả các loại. Hiện đã có hơn 15 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 7-8 tấn quả/ha.

Chúng tôi về bản Vạn Yên gặp ông Đinh Văn Thực cho hay: Sau khi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả tại xã, tôi đã đầu tư trồng 1 ha nhãn trên đất nương. Đây là năm thứ 3 vườn nhãn cho thu hoạch, sản lượng bình quân khoảng 30 tấn quả/vụ. Giá bán khá ổn định từ 10-12 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình.

Cùng với phát huy nội lực, Tân Phong đã thực hiện hiệu quả nguồn vốn các chương trình giảm nghèo; hỗ trợ ổn định dân cư lòng hồ thủy điện Hòa Bình để phát triển kinh tế. Nổi bật là chương trình, dự án phát triển rừng, toàn xã đã trồng trên 100 ha cây tếch, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, tăng thu nhập từ khai thác gỗ khi đến kỳ thu hoạch. Đồng thời, tích cực khoanh nuôi, bảo vệ tốt hơn 1.230 ha rừng, hàng năm nhận được hơn 500 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng...

Bên cạnh đó, bà con chú trọng nghề chăn nuôi. Với hình thức chăn nuôi bán chăn thả, toàn xã hiện có trên 2.300 con trâu, bò, ngựa; hơn 1.000 con lợn trên 2 tháng tuổi, cùng 5.000 con gia cầm.Với hình thức chăn nuôi bán chăn thả, toàn xã hiện có trên 2.300 con trâu, bò, ngựa; hơn 1.000 con lợn trên 2 tháng tuổi, cùng 5.000 con gia cầm. Ngoài ra, bà con trồng trên 40 ha cỏ voi và học cách ủ chua, dự trữ thức ăn cho gia súc.  Trong quá trình chăn nuôi, các cơ quan chuyên môn của huyện đã hỗ trợ bà con trong xã kỹ thuật chăn nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã tiêm trên 2.000 liều vắc xin phòng các bệnh: Lở mồm long móng; viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trên đàn lợn...

Một trong những giải pháp tạo việc làm cho lao động địa phương, đó là khuyến khích lao động nông thôn đi làm việc ở các tỉnh miền xuôi. Hiện xã có trên 500 lao động đang làm công nhân trong và ngoại tỉnh, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Anh Đinh Văn Khánh, bản Muồng, chia sẻ: Từ năm 2016 đến nay, tôi đi làm công nhân ở tỉnh Hưng Yên, thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng. Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên tôi tạm trở về quê. Trong thời gian này, tôi cùng với gia đình trồng thêm cây gỗ tếch trên diện tích đất bạc màu; chăm sóc đàn vật nuôi... Khi dịch bệnh tạm ổn định, tôi tiếp tục đi làm công nhân.

Với mục tiêu nâng cao mức sống, giảm số hộ nghèo. Đảng ủy xã Tân Phong chỉ đạo các chi bộ, trưởng bản tiếp tục tuyên truyền vận động người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, chú trọng phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đồng thời, vận động bà con tiếp tục tham gia trồng rừng sản xuất dọc hai bên bờ sông; chuyển đổi diện tích đất nương trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả... Riêng đối với các hộ nghèo, xã có kế hoạch tạo điều kiện để các hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giao cho ban quản lý các bản quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn sản xuất... Phấn đấu trong năm 2021, xã giảm được 4% hộ nghèo và đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới