Sắc xuân nông thôn mới Quỳnh Nhai

Những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã bứt phá vươn lên, thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, trở thành huyện dẫn đầu toàn tỉnh về số xã đạt nông thôn mới và tự hào được chọn xây dựng huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh vào năm 2025.

Nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ

 

Đón xuân này, diện mạo nông thôn Quỳnh Nhai có nhiều đổi mới. Năm 2021, huyện huy động hàng chục tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 7 tuyến đường giao thông, 3 công trình thủy lợi, 30 công trình lớp học, nhà đa năng, nhà hiệu bộ, 16 nhà văn hóa bản. Thực hiện phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, toàn huyện còn bê tông hóa thêm 20 tuyến đường nội bản, tổng chiều dài 6 km, trị giá gần 4,4 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, còn lại nhân dân đóng góp. Hoàn thành kế hoạch xóa 310 nhà tạm, với tổng kinh phí gần 6,4 tỷ đồng, giúp các hộ nghèo có mái ấm khang trang đón tết.

Một góc Trung tâm huyện Quỳnh Nhai hôm nay.

Từ một xã khó khăn, Mường Giôn đã vươn lên trở thành xã nông thôn mới thứ 7 của huyện. Ông Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã, nói: Xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công cán bộ phụ trách từng tiêu chí, từng bản. Kết quả, đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn được trên 50 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất; xóa xong 41 nhà tạm, làm 16 tuyến đường giao thông nội bản, tổng chiều dài gần 3 km, kinh phí 2,3 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 800 triệu đồng... thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng/năm.

Thống kê đầu việc bản đã thực hiện trong năm, ông Lường Văn Thanh, Trưởng bản Bo Xanh, xã Mường Giôn, phấn khởi: Năm qua, các hộ đã trồng 17 ha dứa; xóa 4 nhà tạm; bê tông hóa 940 km đường bê tông; bản có 6/13 hộ thoát nghèo.

Sôi nổi tham gia xây dựng NTM, các xã vùng cao: Chiềng Khay, Nặm Ét, Pá Ma Pha Khinh... có nhiều bước chuyển trong sản xuất, đã phá thế độc canh, đổi một phần diện tích đất trồng ngô, sắn, lúa năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, trồng dứa, cây dược liệu, quế, mắc ca... gắn với phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng theo chuỗi.

 

Khai thác tiềm năng lợi thế mặt nước trên 10.500 ha lòng hồ sông Đà, đến nay, huyện Quỳnh Nhai có 46 HTX thủy sản, với gần 7.000 lồng cá, sản lượng khai thác, đánh bắt đạt 2,3 nghìn tấn. Nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đem lại thu nhập bình quân 20-30 triệu đồng/lồng cá. Ông Lò Văn Khặn, bản Búng Én, xã Chiềng Bằng là người tiên phong nuôi cá lồng và là Giám đốc HTX Thủy sản Chiềng Bằng có 46 thành viên, với quy mô 962 lồng cá. Ông Khặn cho biết: Gia đình tôi có 114 lồng nuôi cá rô phi, cá trắm và cá lăng; sản lượng cá năm 2021 ước đạt trên 80 tấn, trừ chi phí thu lãi trên 1 tỷ đồng.

 Người dân xã Chiềng Bằng nuôi cá lồng.

Chia sẻ niềm vui với người nuôi thủy sản, ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Huyện đang phối hợp với Tập đoàn Mavin thực hiện quy trình triển khai tổ hợp dự án, gồm: Khu vực nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện; xây dựng một nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, công suất 120.000 tấn/năm; nhà máy sơ chế, chế biến thủy sản xuất khẩu, công suất 50.00-60.000 tấn cá/năm.

Mô hình trồng dứa xã Mường Giôn.

Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ người dân xã Mường Giôn trồng 60 ha cây mắc ca; phối hợp với Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, phân bón cho hộ dân các xã: Mường Giàng, Chiềng Ơn, Chiềng Khay, Mường Giôn, chuyển đổi 103 ha đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng dứa nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau, củ, quả DOVECO Sơn La. Những cánh đồng dứa đang phát triển xanh tốt, bắt đầu ra hoa, với mức giá doanh nghiệp cam kết thu mua 5.000 đồng/kg quả trở lên. Những hộ dân được hỗ trợ trồng đầu tiên, sẽ luân chuyển mầm giống cho các hộ khác cùng trồng mở rộng diện tích, phấn đấu năm 2025, toàn huyện có 2.500 ha dứa nguyên liệu.

 

Nỗ lực đạt mục tiêu cán đích NTM

 

Nói về nhiệm vụ xây dựng NTM của huyện Quỳnh Nhai, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, thông tin: Thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 26/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn NTM 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM Quỳnh Nhai của tỉnh do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng ban; thành viên là các sở, ban, ngành của tỉnh. Đến nay, huyện Quỳnh Nhai đã xây dựng xong Đề án xây dựng NTM; giai đoạn 2022-2024, các xã Chiềng Khay, Mường Sại, Nặm Ét đạt chuẩn NTM; năm 2025 huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Cá tép dầu sấy khô sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Phấn đấu đạt mục tiêu đề ra, đồng chí Nguyễn Văn Thu, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai, cho biết: Chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân, tạo phong trào thi đua sôi nổi, hoàn thành vững chắc từng tiêu chí. Tổ chức huy động, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp hằng năm của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng phải trên cơ sở tự nguyện, bàn bạc công khai, minh bạch, dân chủ, không gượng ép hay quá sức dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, nhất là các dự án thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy sản và du lịch, dịch vụ. Thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Một mùa xuân mới đang về, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quỳnh Nhai đoàn kết, chung sức khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao mức sống của nhân dân hướng đến mục tiêu huyện đạt nông thôn mới vào năm 2025.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới