Bản Pá Kạch, xã Mường Lạn (Sốp Cộp) có 109 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Những năm qua, người dân đã tích cực học hỏi, xây dựng các mô hình kinh tế vườn rừng, trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi đại gia súc, mang lại hiệu quả tích cực.
Người dân bản Pá Kạch, xã Mường Lạn (Sốp Cộp) chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đến bản Pá Kạch hôm nay, ấn tượng bởi những cánh rừng, ruộng lúa xanh tốt, điện chiếu sáng về tận ngõ từng hộ dân... Người dân vùng cao đã dần làm quen với những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Anh Giàng Bả Sáo, Trưởng bản, cho biết: Nhiều năm trước đây, do trình độ dân trí còn hạn chế, giao thông đi lại khó khăn, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Được cán bộ huyện, xã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Tận dụng nguồn nước ổn định quanh năm từ suối Nậm Sọi để khai hoang ruộng nước, giảm diện tích trồng lúa nương. Hiện bản có hơn 26 ha lúa nước, bà con đang từng bước xóa bỏ thói quen phá rừng làm nương rẫy.
Bên cạnh đó, người dân còn khai thác tốt hơn 200 ha bãi chăn thả để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Trước đây, người dân bản Pá Kạch quen với tập quán thả rông gia súc, nay đã quy hoạch lại vùng chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, trồng cỏ nuôi nhốt chuồng, mang lại thu nhập ổn định. Đồng thời, chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng gần 10 ha cỏ voi VA06 để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Hiện bản có hơn 1.200 con trâu, bò; trên 100 con dê.
Điển hình trong phát triển chăn nuôi là hộ các ông: Giàng Bả Dua, Giàng A Ma, Giàng A Sênh, Sùng A Mai, Giàng Ly Bó… có từ 20 - 50 con trâu, bò, dê, hằng năm thu nhập trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi, có hộ mua được xe ô tô tải vận chuyển hàng hóa nông sản, mở cửa hàng tạp hóa kinh doanh phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong bản.
Ngoài ra, nhân dân trong bản còn tham gia quản lý hơn 400 ha rừng; hàng năm, được chi trả hơn 70 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng để xây dựng các công trình công cộng, mua dụng cụ PCCCR... Anh Giàng Bả Dua, chia sẻ: Gia đình tôi hiện có hơn 50 con trâu, bò, dê, mỗi năm bán 5 con, thu hơn 150 triệu đồng. Bây giờ gia đình tôi đã có cuộc sống khá giả hơn, có thêm điều kiện để chăm lo cho con cái học hành chu đáo. Ngoài ra, tôi còn đầu tư hơn 100 triệu đồng để thuê máy xúc khai hoang 1,6 ha ruộng trồng lúa nước.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đã giúp người dân bản Pá Kạch từng bước xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của bản chỉ còn hơn 13,7%; nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, bà con đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa mới, những ngôi nhà dần được xây dựng kiên cố, khang trang; 100% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và điện lưới quốc gia. Diện mạo nông thôn mới của bản vùng biên đang có nhiều đổi thay.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!