Nậm Lạnh nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp) đạt 9/19 tiêu chí. Phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường trong năm 2021, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Lạnh đã chỉ đạo các đoàn thể, các bản tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cùng hành động bảo vệ môi trường.

Nhân dân bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp) tham gia vệ sinh môi trường.

 

Xã Nậm Lạnh có 11 bản, 848 hộ, thuộc 3 dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông cùng sinh sống. Trước đây, hầu hết hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình thu gom, xử lý chất thải, nước thải, rác thải trên địa bàn chưa được đầu tư xây dựng, nên phần lớn lượng nước thải sinh hoạt, chăn nuôi của các hộ dân đều được xả thải trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất và chảy vào các ao, hồ trên địa bàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, công tác vệ sinh môi trường chưa được người dân quan tâm, tình trạng vứt rác thải bừa bãi, nuôi gia súc dưới gầm sàn, thả rông gia súc, gây mất vệ sinh môi trường; không thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tồn tại ở nhiều bản, đặc biệt là các bản xa trung tâm xã.

Trước thực tế đó, Nậm Lạnh xác định quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, tiêu chí môi trường phải được quan tâm. Cùng với việc đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào quy ước, hương ước của bản, xã đã gắn việc thực hiện tiêu chí này với việc đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, danh hiệu bản văn hóa, gia đình văn hóa. Chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể gắn thực hiện tiêu chí môi trường với các phong trào, hoạt động của tổ chức hội, như: Hội phụ nữ xã tích cực thực hiện phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; đẩy mạnh phong trào “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” trong tổ chức Đoàn thanh niên. Các tổ chức hội, đoàn thể phân công hội viên giúp đỡ các hộ neo đơn, gia đình chính sách làm nhà vệ sinh, đào hố xử lý rác thải. Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom và xử lý rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.

Bên cạnh đó, xã tăng cường tuyên truyền, vận động đến từng bản, hộ gia đình tích cực tham gia vệ sinh môi trường, thực hiện nghiêm việc không thả rông gia súc; xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố, hợp vệ sinh; tuyệt đối không sử dụng phân tươi để bón rau, không vứt rác và xác động vật xuống ao, hồ, sông, suối. Cùng với đó, cán bộ, công chức xã, các nhà trường, trạm y tế xã nêu gương tích cực dọn vệ sinh nơi làm việc và khu vực công sở; vận động, hướng dẫn bà con xây dựng cảnh quan môi trường, trồng hoa hai bên các tuyến đường. Nhờ thực hiện hiệu quả đồng bộ các biện pháp, đến nay, trên địa bàn xã, tỷ lệ hộ sử dụng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh đạt trên 74%; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 53,3%. Toàn xã có 10/11 bản được đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung, tỷ lệ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt 50,6%.

Bà Tòng Thị Môn, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Thông qua các cuộc họp, sinh hoạt, Hội phụ nữ xã đã tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận động “5 không, 3 sạch”. Thứ 7 hằng tuần, hội viên phụ nữ các bản đều tổ chức dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh tại các tuyến đường nội bản, liên bản. Đồng thời, mỗi gia đình hội viên tự đào 1 hố rác; phân loại rác thải sinh hoạt, những loại rác thải khó phân hủy như túi nilong, chai nhựa sẽ được để vào bao riêng đưa ra thùng rác chung, đối với rác dễ phân hủy đưa vào hố rác gia đình để đốt, chấm dứt tình trạng xả rác ra môi trường.

Còn chị Lường Thị Bon, bản Púng Tòng, xã Nậm Lạnh chia sẻ: Trước đây, chúng tôi chưa quan tâm vệ sinh nhà ở, bếp ăn hằng ngày và đôi khi còn vứt rác bừa bãi ra đường. Từ khi hiểu được lợi ích của việc bảo vệ môi trường giúp phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe, tạo cảnh quan sạch, đẹp nên hầu hết bà con trong bản đã tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh, vì thế nhà cửa, đường đi lại luôn gọn gàng, sạch sẽ.

Việc thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới là việc khó,  nhưng nếu thực hiện kiên trì, bền bỉ thì đem lại lợi ích lớn cho người dân. Thời gian tới, xã tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các bản, nhân rộng mô hình đoạn đường tự quản. Hằng quý, tiến hành đánh giá, bình xét các mô hình, việc làm bảo vệ môi trường hiệu quả, kịp thời khen thưởng các cá nhân, tập thể điển hình, phấn đấu hoàn thành tiêu chí môi trường trong thời gian sớm nhất.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới