Mường Và xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Mường Và đang có nhiều đổi mới.

 

 

Mô hình trồng cây ăn quả của người dân bản Cáp Ven.

 

Ông Hoàng Ngọc Trung, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Là xã vùng biên giới của huyện Sốp Cộp, Mường Và có diện tích tự nhiên hơn 27.900 ha, với 22 bản, gồm các dân tộc Thái, Lào, Khơ Mú, Mông, Kinh cùng sinh sống. Xác định xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động; cán bộ, đảng viên thường xuyên xuống cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế; xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững.

 

Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, vai trò làm chủ của người dân được phát huy, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2015 đến nay, xã đầu tư xây dựng 37 công trình với tổng số vốn 86 tỷ đồng; vận động nhân dân hiến trên 7.500 m2 đất, xây dựng 252 tuyến đường giao thông nông thôn, dài 45 km, tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 28 tỷ đồng. Đến nay, 100% số bản đã có đường ô tô, trong đó 8 bản đã có đường được cứng hóa; 45 km kênh mương nội đồng, đã có 38 km được xây dựng kiên cố. Đặc biệt, huy động xã hội hóa xây dựng 3 lớp học, nhà bán trú cho học sinh... Hiện, 100% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98,2% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.

 

Bên cạnh đó, xã đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; chuyển đổi những diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những năm gần đây, bà con đã trồng được hơn 422 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, xoài, bưởi..., trong đó 30 ha đã cho thu hoạch; thâm canh hiệu quả gần 230 ha lúa ruộng; xây dựng thành công mô hình trồng lúa nếp tan hin - tan nhe và được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm “Nếp tan Mường Và”. Lĩnh vực chăn nuôi được quan tâm đẩy mạnh đầu tư theo mô hình trang trại; hiện tổng đàn gia súc của xã có 9.580 con, 43.230 con gia cầm, 43,5 ha thủy sản. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp hằng năm đạt 66 tỷ đồng. Đồng thời, thu hút các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; trên địa bàn xã hiện có 2 hợp tác xã và 103 hộ sản xuất, kinh doanh, giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt 33,4 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người 11,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 39,79%.

 

Theo con đường bê tông chạy giữa cánh đồng lúa, chúng tôi đến bản Hốc Một. Theo người dân cho biết, trước đây đường vào bản nhỏ hẹp, lầy lội, việc đi lại rất khó khăn. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ xã đến bản đã vận động các hộ dân tự nguyện tháo dỡ, dịch hàng rào, hiến đất để làm đường. Ông Lò Văn Yêu, Bí thư chi bộ bản, chia sẻ: Bản có 187 hộ, khi bà con hiểu được lợi ích thiết thực, đã tự nguyện đóng góp hơn 100 triệu đồng, hiến hàng trăm mét đất để mở rộng tuyến đường. Đến nay, 4,4 km đường nội bản, 8 ngõ, 1,7 km đường nội đồng đã được đổ bê tông.

 

Rời bản Hốc Một chúng tôi tiếp tục đến bản Cáp Ven, trước đây bà con chỉ trồng sắn, thu nhập bấp bênh. Năm 2017, huyện đã chỉ đạo xây dựng mô hình trồng cây ăn quả sử dụng hệ thống tưới chủ động, với quy mô 3 ha. Gia đình anh Hà Văn Bóng là 1 trong 3 hộ tham gia mô hình, trên 1 ha đất canh tác anh đã trồng 820 cây cam, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới chủ động với 1 bể chứa 20 m³, 1 téc 5 m³ để tạo áp lực. Anh Bóng cho biết: Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cam phát triển tốt, năm nay bắt đầu ra quả, nhiều hộ trong bản cũng đang mạnh dạn chuyển đổi đất trồng sắn sang trồng cây ăn quả.

 

Nhờ tích cực, chủ động, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, Mường Và đã đạt 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất. Rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn, khai thác tiềm năng, xây dựng các vùng sản xuất tập trung mang tính đặc trưng, gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới