Với mong muốn liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao thu nhập, đầu năm 2017, 8 hộ dân bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) đã cùng đóng góp vốn, đất sản xuất thành lập hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, phát triển trồng cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP.
Thành viên HTX Hoa Mười chăm sóc cây ăn quả.
Đến nay HTX đã có 10 thành viên, sản xuất 40 ha cây ăn quả (10 ha xoài, 30 ha nhãn). Xác định sản xuất các loại quả sạch có chất lượng tốt và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng là mục tiêu hàng đầu, HTX đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; vận động thành viên đầu tư hệ thống tưới ẩm, tưới tự động, sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học vào sản xuất... Hiện, HTX có 20 ha nhãn, 10 ha xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, năm nay, HTX thu hoạch 170 tấn quả, doanh thu hơn 1,3 tỷ đồng.
Để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, ngoài việc tích cực kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, HTX còn vận động thành viên chuyển hướng phát triển thêm các cơ sở chế biến long nhãn. Với nguồn nguyên liệu nhãn quả tươi dồi dào, việc chế biến sản phẩm long nhãn vừa nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương. Nhất là khi các hoạt động thương mại, tiêu thụ nhãn quả tươi năm 2020 gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. HTX hiện có 4 thành viên tham gia sản xuất long nhãn với 8 lò sấy hơi nước an toàn, công suất đạt 3 tấn nguyên liệu/ngày. Vụ nhãn 2020, HTX thu được 6 tấn long nhãn, trị giá 1,9 tỷ đồng, tạo việc làm thời vụ cho hơn 100 lao động địa phương.
Đến thăm gia đình chị Trần Thị Hằng Hoa, thành viên HTX. Gia đình chị có 3 ha nhãn, trong đó có 1 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 5 tấn quả tươi/năm. 2 năm trước, chị đã mạnh dạn đầu tư 135 triệu đồng xây dựng 2 lò sấy hơi nước để sản xuất long nhãn. Chị Hoa chia sẻ: Từ nguồn nguyên liệu vùng nhãn có sẵn, gia đình tôi làm lò sấy để sản xuất long nhãn. Tôi phân loại các sản phẩm quả nhãn tươi thành 2 loại. Nhãn loại 1 có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt để bán quả tươi, còn lại loại 2 thì sự dụng làm nguyên liệu sản xuất long nhãn. Ngoài ra, tôi cũng thu mua nhãn quả của thành viên HTX và bà con trong bản làm nguyên liệu. Chế biến long nhãn có thể giúp bảo quản được sản phẩm lâu hơn, nâng cao giá trị. Vụ nhãn vừa qua, gia đình tôi thu 720 triệu đồng, trong đó nhãn quả tươi là hơn 120 triệu đồng, long nhãn là 600 triệu đồng.
Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX Hoa Mười, phấn khởi: Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX đã vận động thành viên hiến 1.700 m² đất, đóng góp gần 390 triệu đồng, ngày công để làm hơn 1 km đường bê tông rộng 3 mét dẫn vào khu sản xuất. Đây là điều các thành viên HTX nói riêng và người dân bản Huổi Bó nói chung mong mỏi từ lâu. Có đường bê tông đến khu sản xuất, việc trao đổi, buôn bán trở nên thuận tiện hơn.
Dù đã có những bước phát triển nhất định, nhưng HTX Hoa Mười vẫn còn gặp khó trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản an toàn; quy mô chế biến, sản xuất long nhãn còn nhỏ, chưa có được đầu tư đồng bộ dây chuyền sản xuất đến đóng gói... HTX mong muốn tiếp tục được tỉnh, huyện đồng hành, hỗ trợ trong việc kết nối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để xây dựng mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; được hỗ trợ hướng dẫn quy trình sơ chế nhãn quả tươi, đóng gói sản phẩm nhãn, long nhãn; hỗ trợ cung cấp tem điện tử truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần đưa thương hiệu nhãn Sông Mã ngày càng đảm bảo chất lượng, uy tín trên thị trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!