Huyện Thuận Châu có có 6 xã vùng cao là Co Mạ, Long Hẹ, É Tòng, Co Tòng, Mường Bám, Pá Lông với trên 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá, tạo điều kiện hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập, đời sống mỗi người dân các xã vùng cao Thuận Châu đang từng ngày khởi sắc.
Người dân xã Co Mạ thu hoạch dứa Queen.
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Bí thư Huyện ủy Thuận Châu, cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết và Đề án về “Phát triển kinh tế - xã hội của 6 xã vùng cao giai đoạn 2021-2025”; giao UBND huyện xây dựng kế hoạch chi tiết và chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, đơn vị, UBND các xã tổ chức thực hiện Nghị quyết, Đề án đảm bảo tiến độ, chất lượng các mục tiêu đề ra, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Cụ thể hóa Đề án trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, UBND huyện xây dựng, triển khai 7 mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm cơ sở để đánh giá, nhân rộng. Cụ thể, xây dựng 3 ha mô hình trồng cây khôi nhung tại các xã Pá Lông, Long Hẹ; 3 ha mô hình trồng cây gừng trâu tại xã Long Hẹ; 3 ha mô hình trồng cây vừng đen tại bản Căm Cặn, xã Mường Bám; mô hình trồng 7 ha dứa tại bản Cát, bản Nong Vai, xã Co Mạ; mô hình nuôi 3.500 con gà đen Hmông tại xã É Tòng; 19 ha mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại các xã É Tòng, Mường Bám, Long Hẹ, Co Mạ; 4,5 ha mô hình trồng các giống lúa mới. Đến nay, các mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt và một số mô hình cho thu hoạch, đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Từ đầu năm đến nay, huyện triển khai trồng mới 20 ha cây dược liệu các loại tại xã Long Hẹ, nâng tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn 6 xã là hơn 60 ha; trồng mới 9,5 ha dứa tại xã Mường Bám.
Sau khi tham quan mô hình trồng dứa tại bản Cát, xã Co Mạ trong chương trình Hội nghị đánh giá kết quả mô hình trồng dứa Queen năm 2022 do UBND huyện Thuận Châu phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Vì A Sềnh, Chủ tịch UBND xã Co Mạ, phấn khởi nói: So với trồng ngô, sắn thì cây dứa Queen trồng đơn giản, dễ chăm sóc, chống xói mòn đất dốc, phù hợp với điều kiện thời tiết nóng ẩm và thổ nhưỡng đất dốc, đồi núi của các xã vùng cao. Toàn bộ dứa thu hoạch được HTX thu mua, xuất bán cho Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La với giá 4.800 đồng/kg; người dân không phải lo lắng đầu ra. Từ hiệu quả mô hình này, xã tiếp tục vận động nhân dân triển khai nhân diện rộng; đây cũng là cơ hội để các xã vùng cao lân cận học tập kinh nghiệm triển khai, nhân rộng, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập, thoát nghèo.
Cùng với đó, huyện đã vận động thành lập mới 2 HTX Nặm Bám, xã Mường Bám và HTX Xuân Bay, xã Co Mạ; hỗ trợ cho HTX Nặm Bám hoàn thiện các thủ tục về sản xuất VietGAP, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bao bì sản phẩm xoài. Duy trì, phát triển 1 chuỗi liên kết sản xuất 7 ha xoài tại xã Mường Bám. Vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng rau với 149 ha, đáp ứng yêu cầu sử dụng trên địa bàn các xã và các vùng lân cận. Đến nay, 6 xã vùng cao đã phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với trên 15.000 đàn trâu, bò, dê; hơn 11.200 con lợn; trên 54.100 con gia cầm; hơn 100 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng khai thác ước đạt 300 tấn; trồng mới và bảo vệ 20.674 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,2%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 71,7%.
Tham quan mô hình trồng dứa Queen tại bản Cát, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu.
Trong phát triển kết cấu hạ tầng, huyện đang tập trung đầu tư cứng hóa các tuyến đường đến trung tâm bản phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng 7 dự án xây dựng kết cấu hạ tầng với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng, triển khai thi công 2 dự án trụ sở làm việc xã Mường Bám, Co Mạ, É Tòng; đầu tư kiên cố hóa cơ sở trường, lớp, đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế đạt chuẩn... Đến nay, 40,96% bản có đường ô tô đến trung tâm bản được cứng hóa; 99,2% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 94,54% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, không thiếu phòng học; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi các cấp học đạt 99,9%; 94,1% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông; 42% bản có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng...
Có thể thấy với sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở huyện Thuận Châu, đặc biệt triển khai nghị quyết chuyên đề về phát triển KT-XH đã đổi thay nếp nghĩ, cách làm của người đứng đầu và đồng bào các dân tộc nơi đây, bộ mặt các xã vùng cao từng ngày “thay da, đổi thịt”. Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội ở 6 xã vùng cao vẫn còn nhiều hạn chế, khoảng cách phát triển giữa các xã vùng cao với các vùng khác trong huyện chưa được rút ngắn, vẫn là “lõi nghèo” của huyện, tỷ lệ hộ nghèo 6 xã còn 56,64%.
Thời gian tới, Thuận Châu tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong triển khai thực hiện Đề án về “Phát triển kinh tế - xã hội của 6 xã vùng cao giai đoạn 2021-2025”. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào địa bàn, đặc biệt là các lĩnh vực các xã có tiềm năng, lợi thế; tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới... góp phần xây dựng 6 xã vùng cao ngày càng ấm no, giàu đẹp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!