Huy động nguồn lực xây dựng nhà văn hóa bản

Xây dựng nhà văn hóa là một trong những tiêu chí về hạ tầng nông thôn mới có sự đóng góp về công sức, vật chất của người dân. Tại huyện Yên Châu, các xã, thị trấn đã huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung sức đóng góp xây dựng nhà văn hóa bản, tiểu khu, góp phần tạo nơi sinh hoạt văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Nhà văn hóa bản Tủm, xã Chiềng Khoi được xây dựng khang trang

Chiềng Khoi là xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2020. UBND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa và được bà con trong bản đồng tình hưởng ứng, cùng chung tay góp ngày công lao động, tiền của để xây nhà văn hóa đạt chuẩn. Đến nay, xã đã có 4/6 nhà văn hóa đạt chuẩn NTM. Điển hình tại bản Pút, trước đây nhà văn hóa làm bằng gỗ xuống cấp, chật chội, sinh hoạt tập trung rất khó khăn. Đầu năm 2019, bản bố trí được quỹ đất và được Nhà nước hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng; bà con đóng góp gần 150 triệu đồng, hơn 250 ngày công xây dựng nhà văn hóa rộng 180m².

Ông Lừ Văn Hóa, Trưởng bản Pút, chia sẻ: Từ khi có nhà văn hóa mới, các cuộc họp của bản, phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên. Có nơi sinh hoạt cộng đồng khang trang, rộng rãi, lại có bàn ghế, loa đài nên ai cũng phấn khởi.

Chiềng Pằn là xã thực hiện hiệu quả tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng NTM. Từ năm 2020 đến nay, xã Chiềng Pằn đã đầu tư nâng cấp nhà văn hóa xã với tổng kinh phí trên 250 triệu đồng; hỗ trợ và vận động nhân dân xây mới 2 nhà văn hóa bản Boong Xanh và bản Chiềng Phú với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng; cải tạo, mua sắm bổ sung đầy đủ trang thiết bị, vận động nhân dân trồng bổ sung cây xanh tại nhà văn hóa các bản. Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn xã được quản lý và vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân, tạo điều kiện để phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển. Hiện 9/9 bản của xã đều có các câu lạc bộ, đội văn hóa, văn nghệ, thể thao duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

Trao đổi vấn đề này, ông Phạm Văn Thảnh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pằn, cho biết: Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, sau khi được tuyên truyền, bàn bạc công khai, dân chủ và hiểu rõ chủ trương xây dựng nhà văn hóa phục vụ xây dựng NTM, tạo điều kiện để phát triển, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, người dân đều đồng tình ủng hộ, tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công xây dựng nhà văn hóa. Đến nay, 8/9 bản của xã có nhà văn hóa, dự kiến năm 2023 sẽ nâng cấp nhà văn hóa bản còn lại.  

           

5 năm qua, huyện Yên Châu đã đầu tư xây dựng 63 nhà văn hóa bản, tiểu khu đạt chuẩn; tổng mức đầu tư trên 60 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 6 tỷ đồng, trên 20.000 ngày công. Đến nay, toàn huyện có 179/182 bản, tiểu khu đã xây dựng được nhà văn hóa; 6/15 xã, thị trấn có nhà văn hóa đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gồm: Chiềng Pằn, Chiềng Sàng, Viêng Lán, Phiêng Khoài, Tú Nang, Chiềng Khoi. Hầu hết nhà văn hóa cấp xã, bản, tiểu khu đều cơ bản đảm bảo được các điều kiện cần thiết để tổ chức hội họp và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho nhân dân. Các xã, bản đều thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, thu hút đông đảo người dân tham gia; qua đó góp phần bảo tồn, lưu giữ được giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Châu, cho biết: Từng địa phương có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu thiết thực trong đời sống hàng ngày của người dân. Trong quá trình triển khai thực hiện, các xã, bản đều thành lập Ban giám sát cộng đồng và nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Do đó, người dân phấn khởi, tin tưởng khi được tận mắt nhìn thấy công sức lao động, tiền tham gia đóng góp của mình và của bà con hiện hữu thành nhà văn hóa, sân chơi thể thao.

Yên Châu tiếp tục tuyên truyền làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí của thiết chế văn hóa cơ sở nói chung và nhà văn hoá nói riêng. Đồng thời, huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia đóng góp đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để duy trì hoạt động thường xuyên của các nhà văn hóa, góp phần phục vụ tốt đời sống tinh thần của người dân và làm cho diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới