Qua 4 năm tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, mạng lưới giao thông ở Sông Mã ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, không những tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương.
Tuyến đường vào bản Quyết Thắng, xã Chiềng Khương (Sông Mã) được cứng hóa.
Thời gian qua, phong trào làm đường giao thông được triển khai mạnh mẽ và lan rộng ở tất cả các xã trên địa bàn huyện Sông Mã. Để thực hiện nội dung này, huyện tập trung lồng ghép các nội dung tuyên truyền về chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới vào các hội nghị cấp huyện, cấp xã; phát động các phong trào thi đua gắn với tiêu chí xây dựng giao thông nông thôn; vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động, kinh phí, đất đai để xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện; nhờ đó, người dân luôn ủng hộ và tích cực tham gia... Cùng với đó, huyện tích cực phối hợp với các sở, ngành để triển khai các dự án đường đến trung tâm các xã, phối hợp giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đồng chí Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Sau 4 năm thực hiện, Sông Mã đã hoàn thành dự án đường đến trung tâm xã Nậm Ty, Chiềng Phung, Chiềng En và dự án đường đến trung tâm xã Nậm Mằn, tổng chiều dài trên 50 km, với tổng kinh phí trên 218 tỷ đồng. Toàn huyện có 411 bản, tổ dân phố; trong đó, 219 bản, tổ dân phố nằm bên các trục quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện và đường đến bản TĐC đầu tư cứng hóa, còn 192 bản chưa được cứng hóa. Đã xây dựng 3 tuyến đường đô thị dài gần 2,7 km, với tổng kinh phí trên 44 tỷ đồng, đạt tiêu chuẩn đường phố nội bộ. Tuyến đường nội bản trên địa bàn toàn huyện đã và đang được xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Hiện, toàn huyện có 744 km đường nội bộ bản cần đầu tư xây dựng; với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến thời điểm này, huyện đã xây dựng 425 tuyến, với chiều dài trên 126 km, tổng kinh phí đầu tư gần 106 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 42 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 64 tỷ đồng. Ngoài ra, để đảm bảo việc đi lại của nhân dân, huyện chú trọng rà soát, xóa cầu tạm; trong 32 cầu tạm không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại, đến nay, huyện đã thay thế 13 cầu, gồm 9 cầu thuộc dự án LRAMP do Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư và 4 cầu do huyện đầu tư.
Công tác quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn cũng được huyện chú trọng. Năm 2016 và 2017, đã duy tu sửa chữa 15 tuyến đường huyện với chiều dài 267 km; từ năm 2018-2020, đã bảo dưỡng 14 tuyến đường huyện với chiều dài trên 223 km. Đối với các tuyến đường từ xã đến bản, liên bản, các tuyến nội thị, hằng năm, các xã, thị trấn cân đối nguồn kinh phí lập kế hoạch tu sửa. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân các bản dọc tuyến đường thuộc địa phận quản lý, ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, phối hợp giám sát và huy động nhân dân tham gia duy tu bảo dưỡng đường giao thông thuộc địa phận các xã quản lý, thực hiện các công việc, như phát quang cây cỏ hai bên tuyến, sửa chữa các công trình thoát nước bị hư hỏng, khơi thông cống rãnh, nạo vét bùn, đất sa bồi, đất sụt... đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong xây dựng giao thông nông thôn, nhân dân nhiều nơi đã tích cực tham gia hiến đất, cây cối hoa mầu, đóng góp ngày công lao động, tiền mặt, tự nguyện giải phóng mặt bằng để thực hiện làm đường giao thông nội bản... Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đi được bốn mùa, 53,3% đường giao thông đến bản được cứng hóa, việc đi lại của nhân dân trong toàn huyện đã thuận tiện hơn trước.
Trong thời gian tới, Sông Mã tiếp tục thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ các mục tiêu đang triển khai trên địa bàn và vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cùng các khoản đóng góp của nhân dân và huy động từ cộng đồng để đầu tư xây dựng đường nội bản, liên bản, xóa các cầu tạm không đảm bảo an toàn; đồng thời, nâng cao chất lượng công tác bảo trì, đảm bảo khai thác có hiệu quả các tuyến đường giao thông nông thôn... nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa của người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!