Đón xuân Ất Tỵ 2025, người dân xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, có niềm vui nhân đôi khi xã đã về đích nông thôn mới nâng cao. Trên những con đường thôn, bản, tiểu khu được bê tông, thảm nhựa sạch đẹp; cờ hoa, băng zôn, khẩu hiệu được trang hoàng rực rỡ; các loại xe tấp nập chở hàng nông sản đi khắp các nơi, nhộn nhịp.
Nỗ lực cán đích
Xã Hát Lót hiện có 16 thôn, bản, tiểu khu, với 2.657 hộ, 10.960 nhân khẩu với 5 dân tộc, gồm: Thái, Kinh, Mường, Mông và Khơ Mú cùng sinh sống. Sau khi về đích nông thôn mới năm 2018, xã Hát Lót tiếp tục được chọn để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao của huyện giai đoạn 2021 - 2025. Khắc phục khó khăn, với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, xã tập trung triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực; tranh thủ cơ các chế chính sách của tỉnh, của huyện để áp dụng vào thực tế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, duy trì, nâng cao các tiêu chí theo hướng bền vững, tạo động lực, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao theo đúng lộ trình.
Ông Lê Đình Thuân, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Cùng với hỗ trợ của Nhà nước, xã huy động các nguồn lực, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tập trung hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trong đó ưu tiên các tiêu chí: Thu nhập, đường giao thông nông thôn, môi trường... Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá từng phần việc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Cùng với đó, xã cũng đã phát động phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới”... cử các nhóm, tổ tham gia cùng nhân dân dọn vệ sinh đường thôn, bản, tiểu khu, trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường. Hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân sửa chữa, vệ sinh nhà cửa; cải tạo vườn, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, chế biến nông sản…
Thôn Nà Cang có 197 hộ, 740 nhân khẩu, thời gian qua, xã cùng Ban quản lý thôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi trồng các loại giống cây mới có năng suất, chất lượng cao, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Ông Nguyễn Trung Kiên, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, chia sẻ: Hiện nay, thôn có 255 ha xoài, nhãn, bưởi, na, bơ và 10 ha ngô ngọt, dâu tây; hầu hết những diện tích này đã được áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, trồng theo hướng VietGAP. Ngoài ra, bà con còn chăn nuôi gần 2.000 con gia súc các loại. Thôn có 9 tuyến đường với chiều dài hơn 10 km đã được được bê tông hóa. Nhân dân đóng góp gần 100 triệu đồng xây dựng hệ thống điện chiếu sáng trên tuyến đường dài 3,5 km. Đến nay, Nà Cang đã được công nhận bản nông thôn mới kiểu mẫu.
Còn tại thôn Tiền Phong, có 323 hộ, 1.019 nhân khẩu. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, bà con tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, vật liệu, ngày công, để nâng cấp, mở rộng và cứng hóa các tuyến đường trong thôn. Ông Nguyễn Văn Hiền, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, nhân dân trong thôn đóng góp hàng trăm ngày công lao động và cát, đá với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng, để đổ bê tông 4 tuyến đường trục chính, 17 tuyến đường ngõ, tổng chiều dài 6 km; đóng góp hơn 120 triệu đồng lắp điện chiếu sáng 6 km đường thôn. Thu nhập bình quân đạt hơn 76 triệu đồng/người/năm; thôn chỉ còn 2 hộ nghèo.
Về đích trước một năm
Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Hát Lót luôn phát huy tinh thần dân chủ của nhân dân trong xã; các vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận, bàn bạc, niêm yết công khai để cán bộ, nhân dân tham gia ý kiến, tạo sự đồng thuận cao; phát huy tốt các nguồn lực, nhân dân tích cực tham gia thực hiện. Từ năm 2019 đến nay, xã đã huy động gần 11 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới nâng cao; trong đó, vốn ngân sách tỉnh hơn 8 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 3 tỷ đồng, 7.500 ngày công, hiến đất mở đường giao thông nội bản với chiều dài 6,1 km. Đến nay, đã cứng hóa gần 3 km đường tại thôn Tiền Phong, Nặm Ban, Búng Lay, bản 428; xây dựng 12/16 cổng bản, 2 nhà văn hóa thôn, bản, tiểu khu; xây dựng tuyến điện chiếu sáng tại các thôn, bản, tiểu khu với 2.681/2.726 hộ có bóng đèn chiếu sáng tại cổng; tu sửa các công trình nhà văn hóa xã, nhà đa năng xã, công trình y tế, góp phần chỉnh trang nông thôn và đáp ứng các tiêu chí xây nông thôn mới nâng cao.
Cùng với đó, xã tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng gắn với trồng cỏ tại bản Lót Tiến cho thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng/hộ/năm; mô hình nuôi lợn tại thôn Nà Cang; trồng xoài, nhãn ghép tại thôn Nà Cang, tiểu khu 10; trồng lúa kỹ thuật cao tại bản Nà Si... Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, tăng thu nhập lao động nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao.
Đến nay, xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, 100% đường trục thôn, bản, tiểu khu được bê tông, trải nhựa, cứng hóa; 100% các bản được công nhận bản văn hóa; 94% số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa; trên 95% số hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/người, tăng hơn 12 triệu đồng so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn 4,6%. Hệ thống chính trị được củng cố, tình hình an ninh trật tự được duy trì, giữ vững.
Phát huy những thành quả đạt được, nhân dân các dân tộc xã Hát Lót tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và thương mại, dịch vụ, nhân rộng các mô hình kinh tế; phát huy các nguồn lực, duy trì, giữ vững nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu..., góp phần xây dựng xã Hát Lót ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!