Năm 2021, toàn tỉnh có 7 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Mường Bằng (Mai Sơn); Tà Xùa (Bắc Yên); Mường Giôn, Chiềng Khay (Quỳnh Nhai); Hua Păng (Mộc Châu); Huy Tân và Huy Thượng (Phù Yên). Các xã đang chạy nước rút để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Trụ sở UBND xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) được đầu tư xây dựng khang trang.
Ảnh: PV
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021; chỉ đạo các địa phương tiếp tục phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là sự hưởng ứng của người dân, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tham gia xây dựng nông thôn mới. Xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể; phân công nhiệm vụ từng thành viên Ban Chỉ đạo, các tổ chức đoàn thể phụ trách các nội dung thực hiện; hàng tuần, tổ chức “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới”, tuyên truyền, hướng dẫn người dân và cùng tham gia thu gom rác thải, xây dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp tại các xã; xây dựng các mô hình kinh tế... Các huyện chủ động sắp xếp các nội dung chi theo thứ tự ưu tiên, phân bổ chi tiết nguồn vốn hỗ trợ các xã xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng.
Là địa phương đăng ký về đích nông thôn mới năm nay, xã Mường Bằng (Mai Sơn), cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tích cực vào cuộc; tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung sức xây dựng NTM. Đến nay, xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí, hiện còn 5 tiêu chí chưa đạt (giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, nhà ở dân cư, môi trường và an toàn thực phẩm), xã đã có kế hoạch, giải pháp thực hiện đối với từng tiêu chí.
Với tiêu chí giao thông, xã Mường Bằng đã tổ chức họp dân, thống nhất phương án lựa chọn đơn vị thi công và huy động sự đóng góp của người dân để bê tông hóa 6 km đường theo Nghị quyết 77 của HĐND tỉnh tại 5 bản. Đối với tiêu chí trường học, hiện đang triển khai xây dựng 2 phòng học, 2 phòng chức năng tại Trường Mầm non xã; xây dựng 1 nhà 2 tầng 8 phòng học tại điểm trung tâm, nhà đa năng Trường TH&THCS; đồng thời, chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị mặt bằng, xã hội hóa đóng góp theo quy định. Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, qua rà soát, đến hết năm 2020, toàn xã còn 6/13 bản chưa xây dựng nhà văn hóa. Mặc dù chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, nhưng 6 tháng đầu năm, 2/6 bản đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa. Đối với tiêu chí nhà ở dân cư, xã đã huy động ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ xóa 33 nhà dột nát.
Ông Tòng Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Mường Bằng, cho biết: Thứ 7, chủ nhật hàng tuần, 4 tổ công tác của xã phối hợp với các tổ công tác của Ban Chỉ đạo huyện trực tiếp về các bản tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, chỉnh trang hàng rào, làm các công trình nhà tắm, nhà vệ sinh, di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm sàn... Hiện, cơ bản các hộ trên địa bàn đã có hố rác, nhà tắm, nhà vệ sinh,
Cùng với nỗ lực của các địa phương, thực hiện phong trào Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới, Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn từ các cấp. Ngoài việc đưa đồng vốn kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, còn tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư, phát triển SXKD, làm ăn có hiệu quả, từng bước cải thiện đời sống và nâng cao trình độ dân trí. Ông Tạ Văn Toàn, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Đến nay, có 19.589 lượt khách hàng tại các xã xây dựng nông thôn mới được vay vốn, tạo việc làm cho 1.086 lao động; xây mới 10.813 công trình nước sạch và vệ sinh, giúp 3.215 hộ thoát nghèo, góp phần giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Việc tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, qua đó, tạo sự đồng thuận mạnh mẽ, huy động được toàn dân cùng xây dựng nông thôn mới. 6 tháng đầu năm, các địa phương đã đầu tư chuyển tiếp và đầu tư mới 72 công trình giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nước sinh hoạt.
Thời điểm này, các xã đều đạt từ 11 - 15 tiêu chí. Để dồn lực cho các xã hoàn thành các tiêu chí còn lại, tỉnh đã tổ chức các đợt kiểm tra, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong triển khai, thực hiện ở cơ sở. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các huyện và các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới; huy động tối đa các nguồn lực tham gia thực hiện; lồng ghép, bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí được phân cấp theo quy định, tập trung xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí/chỉ tiêu chưa đạt tại các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2021 theo kế hoạch.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!