Trở lại bản Sam Quảng, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp lần này, chúng tôi chứng kiến bức tranh nông thôn mới nhiều đổi thay của bản vùng biên. Điện lưới đã về, không còn cảnh người dân phải thắp đèn dầu, con đường từ xã về bản đã rải nhựa, nhà lớp học được xây dựng khang trang.
Đường về Sam Quảng.
Chỉ khoảng 20 phút từ trung tâm xã, chúng tôi đã lên đến bản Sam Quảng. Những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông được bao quanh bởi màu xanh của rừng, của những vườn cây ăn quả. Nhớ lại, từ năm 2021 trở về trước, tuyến đường từ trung tâm xã đến Sam Quảng chỉ hơn chục cây số, nhưng gồ ghề sỏi đá, làm khó cho những ai muốn đến bản, nhất là những giáo viên gieo chữ ở nơi vùng cao này, phải mất 2 giờ đồng hồ mới tới nơi.
Ông Vàng Tộng Lâu, người có uy tín của bản, phấn khởi nói: Có đường giao thông mới, dân bản vui lắm, niềm mơ ước bao đời nay của chúng tôi đã thành hiện thực. Việc đi lại không còn vất vả nữa, trao đổi hàng hóa nông sản của bà con cũng nhờ đó mà thuận tiện hơn rất nhiều. Mừng nhất là các thầy cô giáo và con trẻ trong bản không phải nghỉ dạy, nghỉ học mỗi khi trời mưa nữa, tình trạng bỏ học cũng không còn.
Trong phát triển kinh tế, người dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm để cuộc sống dần được đổi thay. Trước đây, 100% số hộ dân ở Sam Quảng nằm trong diện nghèo, vẫn còn người nghiện hút, buôn bán trái phép ma túy, không biết lựa chọn cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 326 đóng quân trên địa bàn giúp đỡ, giờ người dân đều biết làm ruộng nước, hạn chế phá rừng làm nương, nhà nào cũng làm vườn rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Sam Quảng có 53 hộ, 320 nhân khẩu. Trưởng bản, Bí thư chi bộ Giàng A Dệnh, chia sẻ: Bây giờ trong bản đã không còn ai liên quan đến tội phạm về ma túy, không có người mắc nghiện nữa. Bà con trong bản chăm bón tốt 16,5 ha cây ăn quả các loại, 61 ha cây lương thực có hạt, 10 ha sắn, 1,2 ha cỏ chăn nuôi gia súc, gần 1 ha rau màu các loại và nuôi trên 800 con gia súc, trên 1.000 con gia cầm. Ngoài ra, người dân còn bảo vệ hơn 1.000 ha rừng tự nhiên, 2 ha rừng trồng và phấn đấu trồng 20 ha rừng trong năm nay. Đầu năm 2021, điện lưới đã được kéo về bản, người dân đang đồng lòng vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo. Điều đáng mừng nữa là nhiều thanh niên trong bản đã đi lao động ở các khu công nghiệp ở trong và ngoài tỉnh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Thiếu tá Nguyễn Trọng Hưng, Chính trị viên Đội 6 (Đoàn 326), cho biết: Nhận thấy đời sống của bà con Sam Quảng còn nhiều khó khăn, một số hộ thường thiếu ăn lúc giáp hạt, trong khi 130 người trong độ tuổi lao động không có việc làm, Đoàn 326 đã vận động và kết nối để đi làm việc tại các khu công nghiệp. Ban đầu, chỉ vận động được 10 thanh niên trong bản đi lao động tại các khu công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên, công việc chủ yếu là may mặc, đóng gói hàng hóa, vận hành máy móc, với mức thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Thấy được hiệu quả, bây giờ, bà con tự tuyên truyền, vận động nhau tìm việc làm.
Chị Giàng Thị Chia, là người đầu tiên trong bản đi lao động xa nhà, chia sẻ: Khi tôi được nhận vào làm việc đều được doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe và có thu nhập ổn định. Thấy công việc ổn định, tôi đã vận động nhiều thanh niên khác trong bản đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, để có thêm thu nhập cho gia đình.
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ Đoàn 326 đã giúp đồng bào Sam Quảng thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên trong lao động sản xuất, xây dựng đời sống ngày càng ấm no, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!