Trở lại Sam Kha lần này, chúng tôi thấy có nhiều thay đổi, đường về trung tâm xã đã được rải nhựa, đường liên bản đang được bê tông hóa. Trên những sườn đồi, màu xanh của cây ăn quả đang ngày càng trải rộng, trên nương chỉ còn những diện tích lúa đặc sản để hướng tới trở thành sản phẩm OCOP; chăn nuôi gia súc được bà con chuyển từ thả rông sang nuôi nhốt chuồng, gắn với trồng cỏ làm thức ăn.
Bà con bản Huổi Phô phát triển kinh doanh dịch vụ.
Đồng chí Giàng A Sệnh, Bí thư Đảng ủy xã Sam Kha, cho biết: Là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, xã có 612 hộ và 3.762 nhân khẩu, 92% là đồng bào dân tộc Mông. Mặc dù còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, cấp ủy, chính quyền đã tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Giai đoạn 2016-2021, từ nguồn vốn Chương trình 30a, 135, xã Sam Kha được đầu tư trên 3,4 tỷ đồng thực hiện 21 dự án; đến nay đã hỗ trợ 148 con bò giống sinh sản, trồng 23,6 ha xoài, cam. Đồng thời, vận động bà con tích cực thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới vào sản xuất hơn 60 ha lúa ruộng, hơn 800 ha lúa nương, 200 ha ngô, 280 ha sắn, nuôi gần 15 ha thủy sản và quản lý bảo vệ 6.525 ha rừng.
Chúng tôi đến bản Púng Báng, bản có 47 hộ, 289 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Năm 2018, từ nguồn vốn các chương trình giảm nghèo, chương trình 30a, 135, bản đã mở mới 9 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài gần 1km; hỗ trợ 36 con bò giống cho 18 hộ thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản. Bí thư Chi bộ bản Thào A Chu chia sẻ: Từ 36 con bò sinh sản được Nhà nước hỗ trợ, hiện nay đã phát triển lên 70 con. Chi bộ, Ban quản lý bản đã tuyên truyền, vận động bà con tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, tận dụng các khoảng đất trống để trồng cỏ. Nhiều hộ trong bản mạnh dạn đầu tư nuôi bò sinh sản và nuôi vỗ béo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, như hộ gia đình anh Thào A Dểnh, Sộng A Chỉa, Thào Bả Thênh, Sộng A Chông... có thu nhập từ chăn nuôi vài chục triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm.
Còn bản Tỉa có 69 hộ, 290 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, bản có lợi thế về nguồn nước, phù hợp với phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Ban quản lý bản đã phối hợp với các tổ công tác của xã tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học vào nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm và chuyển đổi những diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Trưởng bản Quàng Văn Dương cho biết: Đến nay, bà con chuyển đổi 2 ha đất nương sang trồng mận, xoài, năm nay đã bắt đầu cho thu hoạch; nuôi gần 200 con gia súc, hơn 2.000 con gia cầm; đời sống của bà con từng bước ổn định và nâng lên, cả bản chỉ còn 20 hộ nghèo.
Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Sệnh cho biết thêm: Xã đang tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của từng bản; mạnh dạn đưa các cây trồng mới giá trị kinh tế cao vào sản xuất; tập trung phát triển nuôi đại gia súc ở các bản Phá Thóng, Sam Kha, Nậm Tỉa; phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng ở các bản Púng Báng, Huổi Sang, Phá Thóng; vận động bà con bản Pu Sút, Ten Lán trồng cây ăn quả và trồng dứa nguyên liệu. Bên cạnh đó, xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện xây dựng thương hiệu “Gạo tẻ mèo Sốp Cộp” đối với sản phẩm lúa nương của xã.
Vươn lên, khắc phục khó khăn, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Sam Kha quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; từng bước nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!