Bản Tảo Ván, xã Chiềng Công, huyện Mường La có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm gần đây, bà con trong bản tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ấm no.
Người dân bản Tảo Ván, xã Chiềng Công, huyện Mường La, trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thảo quả.
Từ trung tâm xã sau hơn 40 phút di chuyển bằng xe máy, chúng tôi đến bản Tảo Ván. Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mùa A Súa, chia sẻ: Bản hiện có 55 hộ dân. Trước đây, người dân ở bản chủ yếu trồng ngô, sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập thấp. Từ năm 2012, Chi bộ, Ban Quản lý bản đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đến nay, các hộ dân trong bản đã trồng được gần 50 ha cây thảo quả dưới tán rừng, trong đó gần 40 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 150 tấn quả tươi/năm và 25 ha cây táo sơn tra, sản lượng đạt trên 100 tấn quả tươi/năm. Nhiều hộ vươn lên có mức sống khá từ 2 cây trồng này.
Bên cạnh đó, trong chăn nuôi, bà con đã quan tâm việc tiêm vắc xin phòng bệnh; làm chuồng trại kiên cố, căng bạt chống rét cho gia súc vào mùa đông; phun thuốc khử trùng định kỳ 4 lần/năm khu vực chuồng trại; trồng cỏ voi để lấy thức ăn chăn nuôi trên 200 con trâu, bò; ngoài ra còn nuôi hơn 300 con lợn và trên 1.500 con gia cầm... Từ 2019 đến hết năm 2021, bản có từ 4 - 6 hộ thoát nghèo/năm. Hiện nay, bản có trên 30% số hộ khá giả; nhiều hộ có thu nhập từ 120 đến 200 triệu đồng/năm từ trồng thảo quả, táo sơn tra, chăn nuôi gia súc, như gia đình anh Mùa A Tếnh, Mùa A Manh, Mùa A Lử, chị Sồng Thị Sá...
Được Nhà nước hỗ trợ gần 300 tấn xi măng, bản đã trích một phần quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng của cộng đồng bản, cùng nhân dân góp công lao động, hiến đất, đổ bê tông đường nội bản, đường lên sân bóng dài hơn 2 km. Hàng năm, bản đã huy động nhân dân góp sức làm đường lên khu trồng thảo quả, sơn tra, để thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản.
Đến thăm gia đình chị Sồng Thị Sá, bản Tảo Ván. Năm 2011, chị đến xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, để tìm hiểu cách trồng, chăm sóc và mang giống cây thảo quả về trồng. Chị Sá phấn khởi, nói: Hiện, gia đình tôi có trên 5 ha thảo quả, trong đó hơn 3 ha đã cho thu hoạch từ 11 - 12 tấn quả tươi/năm. Ngoài ra, chăm sóc gần 1 ha cây sơn tra, thu 3 - 4 tấn quả/năm, tổng thu nhập của gia đình tôi đạt hơn 250 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu này, gia đình tôi đã sửa được nhà ở khang trang và có tiền mua thêm bò giống để phát triển chăn nuôi.
Gia đình anh Mùa A Tếnh, bản Tảo Ván, hiện có hơn 3 ha trồng thảo quả, 1,5 ha sơn tra; nuôi 4 con trâu, bò sinh sản. Anh Tếnh cho biết: Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình tôi thu trên 200 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình đã ổn định hơn, không phải trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước như trước đây nữa.
Thu nhập của các hộ ngày càng khấm khá, bà con trong bản tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Việc tổ chức lễ cưới ở bản vẫn mang bản sắc dân tộc Mông, nhưng văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Đám hiếu được tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém. Bản đã thành lập 4 nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự, 1 tổ hòa giải hoạt động hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh trật tự địa bàn. Hiện 100% số hộ dân được sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được xem truyền hình. Bản có lớp học cắm bản từ mẫu giáo đến tiểu học; có nhà văn hóa bản kiên cố, sân bóng, đáp ứng nhu cầu văn hóa cho người dân.
Nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, cuộc sống của nhân dân Tảo Ván đã có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Tảo Ván đang trên đà phát triển từng ngày.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!