Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông nông thôn trọng điểm, huyết mạch, góp phần nâng cao năng lực vận tải, giảm thời gian đi lại, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Nhân dân xã Làng Chếu (Bắc Yên) tham gia đổ bê tông tuyến đường vào trung tâm xã.
Hiện, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 9.483 km, gồm: 888 km quốc lộ, 959 km đường tỉnh, 2.057 km đường huyện, hơn 5.000 km đường xã, 230 km đường đô thị và 306 km đường chuyên dùng, ngoài ra còn có 9.037 km đường trục bản, tiểu khu, đường trục chính nội đồng. Để tăng cường công tác quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch về giao thông; tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt, thực hiện chủ trương cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã, ngành Giao thông Vận tải đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, lập, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư đường giao thông đến trung tâm các xã; ban hành cơ chế, thủ tục để có thể khai thác, tận dụng vật liệu tại chỗ, gần khu vực tuyến đường, giảm giá thành đầu tư xây dựng công trình. Tham mưu xây dựng quy chế đặc thù trong đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Rà soát, cân đối tối đa nguồn vốn đầu tư công cho các dự án đường đến trung tâm xã trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Trung ương bị cắt giảm; xây dựng các phương án tiết giảm vốn đầu tư. Các huyện, thành phố làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng triển khai thi công xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành các dự án đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm của 35 xã, chiều dài khoảng 492 km, nâng tổng số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa lên 196/204 xã, đạt tỷ lệ 96,08%, hiện toàn tỉnh chỉ còn 8 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Với sự đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm các xã kết nối với hệ thống quốc lộ đã tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH ở vùng nông thôn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn. Các huyện, thành phố huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và nhân dân hiến đất, đóng góp công lao động và vật liệu xây dựng để bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Tham gia phong trào làm đường giao thông nông thôn, nhân dân được trực tiếp bàn bạc, thực hiện và giám sát triển khai đã nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của người dân trong duy trì, bảo dưỡng thường xuyên. 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện bê tông hóa 9.645 tuyến, với tổng chiều dài 2.370 km, tổng mức đầu tư 2.520 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1.721 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã hoàn thành đầu tư, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng 58 cầu dân sinh thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP), góp phần xóa bỏ những cây cầu dân sinh tạm bợ, hư hỏng nặng và mất an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân vùng nông thôn.
Hiện nay, hệ thống giao thông tỉnh ta đang tiếp tục được đầu tư phát triển, có tính liên hoàn kết nối nhiều hình thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa nên thuận lợi cho phát triển giao thương hàng hóa và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Nhiều tuyến đường bộ huyết mạch đang tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, mở ra cơ hội kết nối giao thương hàng hóa giữa các vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!