Cuộc sống mới ở điểm tái định cư Quỳnh Sơn

Năm 2007, bản Nậm Phung, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai có 31 hộ nhường đất để xây dựng công trình thủy điện Sơn La, chuyển đến điểm tái định cư Quỳnh Sơn, thuộc tổ 9, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Sau 15 năm chuyển đến nơi ở mới, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân nơi đây từng bước vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng đô thị văn minh.

 

Mô hình trồng dâu tây của bà con điểm tái định cư Quỳnh Sơn đem lại thu nhập cao.

Những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa rộng rãi, sạch sẽ là những ấn tượng ở điểm tái định cư Quỳnh Sơn. Nhớ lại ngày đầu, cũng như các hộ khác trong bản, khi chuyển về bản tái định cư này, gia đình ông Đặng Đình Thoa, được giao đất ở và đất sản xuất. Với sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân sở tại, gia đình ông đã thuê thêm đất nông nghiệp để đầu tư chăm sóc hơn 2 ha cà phê, cây mắc ca. Ông Thoa chia sẻ: Trung bình mỗi năm thu 15 tấn cà phê, còn mắc ca đã bắt đầu cho ra quả. Ngoài ra, gia đình duy trì nuôi 70 con lợn theo quy trình khép kín, mỗi năm xuất bán 2 lứa, mỗi lứa 6-7 tấn thịt lợn hơi, trừ chi phí thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Còn chị Lừ Thị Hường, khi chuyển đến điểm tái định cư còn đang ở cùng bố mẹ, sau khi lập gia đình và tách hộ chị được bố mẹ chia cho 400 m² đất ở, chị thuê 2.000 m² đất của bà con sở tại để trồng thanh long, rau và nuôi lợn. Năm 2019, nhận thấy cây dâu tây mang lại giá trị kinh tế cao, chị đã chuyển sang trồng cây dâu tây. Do áp dụng kỹ thuật, nên năng suất đạt cao, trừ chi phí mỗi năm gia đình chị Hường thu từ 150-200 triệu đồng. Chị Hường cho biết: Có thu nhập ổn định, gia đình tôi đã xây được ngôi nhà khang trang; mua sắm đầy đủ các đồ dùng phục vụ sinh hoạt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Định, Tổ phó tổ 9, phường Chiềng Sinh cho biết: Chuyển đến nơi ở mới, mỗi hộ được giao 300 - 400 m² đất ở và mỗi nhân khẩu được giao 1.700 m² đất sản xuất. Trong đó 2/3 diện tích đất sản xuất được bà con trồng cà phê xen cây xoài, nhãn; còn lại trồng thanh long, dâu tây và rau giống các loại. Đồng thời, đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đời sống của bà con ngày càng cải thiện. Nhiều hộ gia đình có thu nhập bình quân từ 80-100 triệu đồng/năm. Điểm tái định cư chỉ còn 1 hộ nghèo là người cao tuổi, khuyết tật không có khả năng lao động.

Ổn định trên quê mới, từ 31 hộ ban đầu đến nay Quỳnh Sơn đã có đến 50 nóc nhà. Nhịp sống ở vùng ven đô thị của thành phố Sơn La đã đem lại cho những hộ dân nơi đây cuộc sống mới tốt hơn. Hệ thống điện, đường giao thông, nhà văn hóa, trường lớp học được đầu tư, xây dựng kiên cố. Hàng năm, các hộ được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, từ đó, người dân đổi mới tư duy và cách làm ăn mới trong sản xuất nông nghiệp, bứt phá đi lên làm giàu trên quê hương mới. Bên cạnh đó, bà con thực hiện tốt hương ước, quy ước của bản; việc hiếu, việc hỷ được thực hiện theo nếp sống mới. Điểm TĐC thường xuyên duy trì hoạt động 1 đội văn nghệ, phục vụ bà con và giao lưu với các tổ trong các ngày lễ, tết. Hàng năm, trên 98% số hộ đạt gia đình văn hóa.

Với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân sở tại, đến nay đời sống của bà con điểm tái định cư Quỳnh Sơn đang ngày càng khởi sắc, bà con yên tâm sản xuất, từng bước làm giàu trên quê mới.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới