Ở phía Tây của thành phố Sơn La, qua một con đèo thơ mộng khoảng 6 km là đến vùng quê Chiềng Cọ yên ả, thanh bình. Vùng quê này núi non điệp trùng, thung lũng trải dài ấm no mùa lúa chín. Năm tháng thăng trầm, Chiềng Cọ là chứng nhân bao đổi thay, cũng xưa kia lầm than nghèo đói dưới ách đô hộ thực dân…, nay ban nở trắng rừng mỗi độ xuân về, sắc hoa tím sẫm, vàng tươi trải dài trên các con đường bê tông dẫn về bản. Xã nông thôn mới hiện hữu rất rõ ràng với những ngôi nhà sàn khang trang, ngói đỏ.
Vùng quê bình yên Chiềng Cọ
Thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chiềng Cọ đã tập trung cao độ nhân, vật lực để hoàn thành chương trình. Năm 2016, Chiềng Cọ đã về đích sớm trước 4 năm so với chỉ tiêu giao, không nợ tiêu chí nào. Bên cạnh gần 60 ha lúa hai vụ, thì Chiềng Cọ luôn phát huy thế mạnh của cây cà phê trên đất đồi và cây ăn quả. Hình thành một vùng cà phê hơn 350ha, riêng thu nhập từ cà phê toàn xã trên 41 tỷ đồng/năm. Nông thôn mới chính là sức sống mới, diện mạo mới của gần 1.200 hộ dân và hơn 5 ngàn nhân khẩu nơi đây.
Những đồi cà phê góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nơi đây
Để diện mạo Chiềng Cọ ngày càng khang trang, sạch, đẹp, Đảng bộ xã thông qua đề xuất của bà con trồng hoa trên các con đường dẫn về các bản, xa cũng như gần. Từ năm 2017, Đảng ủy xã đã chỉ đạo trồng hoa dọc hai bên đường hơn 2,5 km đường bê tông vào các bản, giao cho Mặt trận Tổ quốc và Đoàn thanh niên xã phụ trách nhiệm vụ này.
Con đường hoa những ngày mới bắt đầu hình thành
Từ nguồn kinh phí xã hội hóa và hỗ trợ của Thành phố và sự đồng tình rất cao của bà con, những con đường hoa đã bắt đầu hình thành. Hoa trồng ở bên những cung đường dưới thung lũng đã khó, trồng trên những cung đường đèo đá quanh co như về bản Dầu, bản Ót Nọi còn khó khăn hơn nữa. Nhưng sau 4 năm, giờ đây hai bên đường bê tông về bản đã rực rỡ sắc màu của các loài hoa Dạ Yến Thảo, Cúc vàng, Sài đất. Những con đường hoa đang gọi mời bước chân du khách về đây hội tụ; cũng như đang tôn thêm niềm tự hào của những người dân Chiềng Cọ.
Những con đường hoa lên núi
Chị Tòng Thị Hoa, chủ tịch MTTQ xã tâm tình: “ Em tên Hoa nên đã sẵn yêu hoa hay sao ấy, nói trồng hoa là thích. Em cùng các chị đi lấy giống hoa ở Thành phố, có những chiều tối vẫn còn lặn lội ở xã bạn Chiềng Xôm xa 2, 3 chục cây số để xin hạt, gốc hoa về trồng. Bây giờ nhìn ngắm những con đường hoa xã mình mà mát lòng mát dạ…”
Sắc vàng hoa cúc bản Hôm
Tím sắc hoa Mười giờ đường về bản Ót Dầu
Trước kia thì lẻ tẻ, nhưng từ năm 2017 đến nay, du khách đến với Chiềng Cọ tăng lên rất nhiều. Ở đây cũng đã có 2 gia đình đầu tiên làm du lịch cộng đồng Homstay, chị Tòng Thị Bó ở bản Hùn và chị Quàng Thị Thúy ở bản Hôm. Trên những con đường hoa ở Chiềng Cọ, đến nay đã có khoảng 2.500 lượt du khách trong nước và nước ngoài đến để tham quan, trải nghiệm trong những Homstay này.
Homstay của gia đình chị Tòng Thị Bó, bản Hùn
Có vẻ như không muốn nhắc lại những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu khi một gia đình người Thái làm du lịch cộng đồng như: làm nhà sàn tiêu chuẩn thế nào, thiết kế cảnh quan trên nền có sẵn, kỹ năng giao tiếp, ẩm thực dân tộc hấp dẫn… chị Tòng Thị Bó vui vẻ cho biết: “ Mô hình Homstay của nhà em giờ tạm ổn. 3 năm qua đã được đón khoảng 2 ngàn lượt du khách. Có những đoàn khách nước ngoài như đoàn quốc tịch Ôxtraylia tham gia trải nghiệm làm nương cà phê, trồng hoa với bà con, vui lắm…”. Anh Kasten Middac, một thành viên trong đoàn đã nói lên cảm tưởng: “ Những ngày ở Việt Nam, ở Chiềng Cọ của Sơn La thật là ý nghĩa với tôi. Người dân nơi đây thân thiện, mến khách và thông minh lắm, họ trồng được cả hoa trên núi, lấy nước nguồn về qua núi khá dễ dàng. Tôi đã học được ở thực tế nhiều điều.”
Chủ nhân và du khách cùng vui bên bữa cơm đậm bản sắc dân tộc
Người Thái thường có câu: Đất tốt thì nên rừng tốt, rừng tốt thì cho hoa đẹp quả thơm. Bộ mặt nông thôn vùng cao Chiềng Cọ hôm nay thực sự tươi tắn, thanh bình. Đảng bộ, chính quyền xã định hướng phát triển du lịch cộng đồng là một trong những nội dung để tiếp tục xây dựng Nông thôn mới Chiềng Cọ ngày một bền vững và ấm no.
Hoàng Khải (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!