Sau 3 năm triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP, phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Bắc” thuộc Dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2022-2024, đã góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển.
Là đơn vị trực tiếp triển khai các mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã rà soát, lựa chọn các hộ nông dân tự nguyện, đủ điều kiện, có vùng trồng tập trung để hỗ trợ tham gia. Đến nay, đã thực hiện 5 mô hình trồng thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm: 20 ha xoài tại huyện Yên Châu, Sông Mã; 5 ha chanh leo tại huyện Mai Sơn, 20 ha dứa tại huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Sông Mã và Thuận Châu.
Trong 3 năm qua, Trung tâm đã tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, thâm canh xoài, dứa, chanh leo theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ quản lý kinh doanh HTX trồng cây ăn quả. Ngoài ra, tổ chức tập huấn lợi ích của liên kết sản xuất với nhà máy chế biến cho 30 hộ ở huyện Quỳnh Nhai không nằm trong mô hình trồng dứa VietGAP. Bên cạnh đó, hỗ trợ 945.000 chồi dứa, trên 47.000 cây dứa trồng dặm, 3.400 cây giống chanh leo, 980 túi bao quả...
HTX dịch vụ nông nghiệp xoài Sông Mã tại xã Nà Nghịu được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh xoài an toàn, thời điểm này, các thành viên HTX đang vào mùa thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Vượng, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX có 10 ha xoài đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, mặc dù thời tiết bất lợi, hạn hán kéo dài, năng suất trung bình chỉ đạt 20 tấn/ha, nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sản phẩm vẫn đáp ứng tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh thu năm nay đạt khoảng 1,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 20 ha tại các huyện: Quỳnh Nhai, Sông Mã, Thuận Châu, Mường La. Tham gia mô hình, năm đầu tiên, các hộ được hỗ trợ giống, kỹ thuật; năm thứ 2 được hỗ trợ chứng nhận VietGAP và tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Lò Văn Hinh, bản Két, xã Tạ Bú, huyện Mường La, chia sẻ: Sau hơn 1 năm tham gia mô hình trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình tôi thay đổi phương thức sản xuất từ kinh nghiệm truyền thống, sang sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật. Đến khi thu hoạch, còn được cán bộ khuyến nông kết nối với đơn vị thu mua sản phẩm theo giá thị trường; năng suất bình quân đạt 40 tấn/ha, trừ chi phí thu lãi gần 100 triệu đồng.
Việc xây dựng các mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Các mô hình được triển khai đã chứng minh hiệu quả công tác khuyến nông, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, phương pháp canh tác của nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các mô hình trồng, thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP là những mô hình điểm để nông dân học tập, nhân rộng, góp phần thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp vật tư nông nghiệp cho các mô hình trồng thâm canh cây ăn quả an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!