Cà phê là cây trồng chủ lực của huyện Thuận Châu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nhiều diện tích đã già cỗi, năng suất, sản lượng giảm. Huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tái canh bằng những loại giống mới, năng suất cao, đảm bảo phát triển cà phê bền vững.
Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Đề án tái canh cây cà phê giai đoạn 2021-2025, trong đó, phấn đấu đến năm 2025, thực hiện tái canh bằng biện pháp trồng thay thế, ghép cải tạo, đốn cải tạo trên 1.500 ha cà phê, tại các xã: Chiềng Pha, Muổi Nọi, Phổng Lái, Tông Cọ… Đơn vị đã phối hợp với các xã trồng cà phê, rà soát, lập danh sách các hộ thực hiện tái canh. Dựa trên chất lượng vườn cây, hướng dẫn nhân dân lựa chọn phương pháp tái canh phù hợp.
Theo đó, đối với các vườn cà phê trên 20 năm tuổi, sinh trưởng kém, năng suất bình quân 3 năm liền dưới 1,2 tấn nhân/ha/năm, chăm sóc, bón phân không hiệu quả, sẽ hướng dẫn nhân dân thực hiện trồng tái canh. Với những vườn cà phê sinh trưởng bình thường nhưng cho quả nhỏ, không đồng đều, năng suất bình quân 3 năm liền dưới 1 tấn nhân/ha/năm, thực hiện đốn, ghép cải tạo bằng một số giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tái canh, ghép cải tạo vườn cà phê, xây dựng các mô hình thí điểm; vận động nhân dân sử dụng các giống cà phê chè đã được cấp quyết định công nhận lưu hành, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 14 lớp tập huấn hướng dẫn sản xuất cà phê bền vững cho trên 750 lượt nông dân tại các xã Tông Cọ, Tông Lạnh, Chiềng La, Phổng Lái.
Đến nay, huyện thực hiện ghép cải tạo, đốn trẻ hóa và tái canh trên 440 ha cà phê, bằng các giống THA1, H1, Starmaya... Niên vụ 2023-2024, huyện có trên 6.400 ha cà phê, trong đó, hơn 5.200 ha cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 5 - 6 tấn quả cà phê tươi/ha, sản lượng ước đạt 30.000 tấn.
Gia đình ông Lò Văn Nhất, bản Hình, xã Tông Cọ, là một trong những hộ tham gia mô hình tái canh cà phê Arabica do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện tại huyện Thuận Châu từ tháng 7/2023. Ông Nhất cho biết: Gia đình được hỗ trợ 2.410 cây giống, 51 cây mắc ca, 2.780 kg phân hữu cơ vi sinh, 510 kg vôi bột, 10 kg thuốc xử lý nấm Trichoderma và tập huấn kỹ thuật. Sau hơn một năm, 5.100 m2 cà phê giống THA1 phát triển tốt, cành đều, khỏe, không bị sâu bệnh và tỷ lệ sống đạt trên 87%.
Triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với huyện Thuận Châu khảo sát, lựa chọn 27 hộ tại bản Hình, xã Tông Cọ và bản Song, Lả Lốm, xã Chiềng La, tham gia thực hiện tái canh 17,7 ha cà phê bằng giống THA1. Cấp 47.250 cây giống, phân hữu cơ vi sinh, vôi bột và thuốc xử lý nấm hỗ trợ các hộ trồng tái canh. Dự án còn chú trọng nâng cao năng lực cho nông dân thông qua các lớp tập huấn về phương pháp canh tác và quản lý sản xuất cà phê Arabica bền vững; kỹ thuật canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; kiến thức kinh tế trong sản xuất và kinh doanh cà phê...
Là địa phương trồng cà phê lâu năm, xã Muổi Nọi đã định hướng cho nhân dân lựa chọn giống cà phê chè THA1 có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh vượt trội và tỷ lệ sống cao để trồng tái canh. Thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc sau trồng, thực hành kỹ thuật cưa, đốn tỉa cành, tạo tán, đốn trẻ hóa cây cà phê. Từ đầu năm đến nay, xã đã tái canh được 10 ha cà phê, nâng tổng diện tích cà phê hiện có lên 414 ha, trong đó 376 ha đã cho thu hoạch, niên vụ 2023-2024, sản lượng quả cà phê tươi ước đạt 2.256 tấn.
Việc tái canh cà phê kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Huyện Thuận Châu tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đánh giá, rà soát toàn bộ diện tích tái canh trên địa bàn, đánh giá chất lượng và tính phù hợp trong quá trình tái canh; ưu tiên tái canh những vùng tập trung, trọng điểm của mỗi xã, làm cơ sở xây dựng vùng chuyên canh sản xuất cà phê chất lượng cao, thực hiện canh tác cà phê bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Rainforest Alliance, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập và bảo vệ môi trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!