Lúa xuân đang bước vào giai đoạn chín rộ, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, bà con nông dân ở khắp các địa phương trong tỉnh đang tập trung thu hoạch lúa xuân, giải phóng đất chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa.
Mặc dù tiết trời nắng nóng nhưng những ngày qua, trên cánh đồng xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn luôn rộn vang tiếng máy gặt, máy tuốt lúa. Ông Nguyễn Văn Kiên, bản Dăm Hoa, xã Chiềng Mai, nói: Năm nay, nắng hạn kéo dài nhưng chúng tôi chú ý đến khung thời vụ, giống, phân bón, tận dụng nguồn nước để tập trung làm đất, gieo cấy đúng tiến độ. Vụ xuân năm nay, gia đình tôi lựa chọn giống lúa ngắn ngày, chịu hạn cao để gieo cấy và bón phân phù hợp, nên năng suất vẫn cơ bản ổn định. Với 2.000 m2 ruộng, nhà tôi cho thu 40 bao thóc.
Còn gia đình bà Lò Thị Sinh, xã Chiềng Mai vừa thu hoạch xong lúa xuân đã thuê máy cày làm đất chuẩn bị cho vụ mùa. Bà Sinh cho hay: Khoảng cách giữa vụ xuân với vụ mùa không dài vậy nên phải tranh thủ làm đất sớm, thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy gốc rạ.
Vụ xuân năm nay, huyện Mai Sơn cấy 1.190 ha. Đến nay, đã nhân dân đã thu hoạch gần 700 ha, năng suất ước đạt 6 tấn/ha, giảm so với năm 2022, do hạn hán khiến gần 100 ha lúa bị ảnh hưởng.
Đến huyện Yên Châu, trên cánh đồng xã Sặp Vạt, Chiềng Đông, Chiềng Pằn, Sặp Vạt, nông dân đang hối hả thu hoạch diện tích lúa, tập trung trung be bờ, tháo nước vào ruộng để cày bừa, chuẩn bị cấy lúa mùa với không khí rất khẩn trương.
Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu, cho biết: Vụ xuân năm nay, huyện gieo cấy trên 700 ha lúa. Đến thời điểm này, đã thu hoạch xong 80% diện tích, năng suất đạt 6 tấn/ha. Theo kế hoạch, toàn huyện tiếp tục gieo cấy 1.100 ha lúa mùa.
Vụ mùa năm nay, dự báo, thời tiết nắng nóng kéo dài vẫn có thể diễn ra trong thời gian tới. Do đó, huyện Mai Sơn đã chỉ đạo các xã khuyến cáo nông dân thu hoạch đến đâu tiến hành làm đất tới đó để tranh thủ nguồn nước. Ưu tiên lựa chọn các loại giống kháng sâu bệnh, chịu hạn và tập trung làm thủy lợi đảm bảo nước tưới cho vụ mùa. Đối với những diện tích khó khăn về nước tưới, nông dân chủ động chuyển sang trồng các loại cây màu, cây công nghiệp có giá trị cao phù hợp.
Vụ lúa xuân toàn tỉnh cấy 13.195 ha, đạt 99% so với kế hoạch. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và PTNT, đến cuối tháng 6, nông dân trong toàn tỉnh đã thu hoạch xong khoảng 80% diện tích lúa xuân, năng suất ước tấn/ha.
Công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa được các địa phương và người dân triển khai tích cực, nhất là việc làm đất và chuẩn bị các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất vụ mùa. Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy trên 20.000 ha, ngành Nông nghiệp đã đề nghị các địa phương tuyệt đối tuân thủ khung lịch thời vụ, cơ cấu giống, ưu tiên các giống có năng suất, chất lượng, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất thường, thời gian sinh trưởng ngắn, như: Đông A1, ADI 28, ADI 168, lúa thơm LT2, BC15, nếp thơm 86, nếp 87, 97, Tân ưu 98, Bắc thơm 9, Đài thơm 8...
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Sở đã có văn bản chỉ đạo sản xuất mùa vụ trong điều kiện thời tiết bất lợi. Tăng cường cơ giới hoá khâu làm đất, thu hoạch đến đâu làm đất đến đó, kết hợp sử dụng các chế phẩm phân hủy rơm, rạ để tránh gây hiện tượng ngộ độc trong đất ảnh hưởng đến lúa cấy vụ mùa. Đối với những diện tích lúa cấy sớm để trồng vụ đông, cần tăng cường chăm sóc, đảm bảo đủ nước tưới, bón phân tập trung và thúc đẻ nhánh sớm, cân đối phân bón, đảm bảo lúa sinh trưởng phát triển nhanh.
Đối với một số địa bàn thường xảy ra mưa lũ, gây thiệt hại cho nông nghiệp, ngành Nông nghiệp đã có kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo việc gieo đủ diện tích mạ theo kế hoạch và gieo mạ dự phòng bằng các giống ngắn ngày, sẵn sàng khắc phục hậu quả thiên tai có thể xảy ra, nhất là khi mưa lớn gây ngập úng trong vụ mùa.
Ngành Nông nghiệp còn phối hợp với các huyện, thành phố chuẩn bị đầy đủ nguồn vật tư nông nghiệp, giống, phân bón; các đơn vị thủy lợi điều tiết nước hợp lý, đảm bảo tưới nước và thoát nước tốt. Các cơ quan chuyên môn tích cực theo dõi, nhanh chóng phát hiện và hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh hại lúa đến từng hộ dân.
Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng về quản lý vật tư, phân bón, đảm bảo nước tưới tiêu, người nông dân cần thực hiện chỉ đạo sản xuất của các cơ quan chức năng và địa phương theo đúng khung thời vụ; lựa chọn các loại giống lúa, vật tư nông nghiệp tại những cửa hàng có uy tín để đưa vào gieo cấy để đảm bảo năng suất, chất lượng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!