Phát triển chăn nuôi thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cùng với phát triển cây ăn quả, trồng dược liệu, nuôi cá lồng trên lòng hồ các công trình thủy điện, huyện Mường La xác định chăn nuôi là mũi nhọn, tập trung khuyến khích người dân liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAP, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng địa phương và xuất bán trên thị trường, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập và tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Mô hình chăn nuôi dê thương phẩm tại bản Nhạp, xã Chiềng Lao (Mường La).

             

Những năm qua, huyện đã huy động, sử dụng lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình 135, 30a, Chương trình xây dựng NTM, hỗ trợ sản xuất theo chương trình sự nghiệp kinh tế, nguồn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để đầu tư phát triển chăn nuôi. Hằng năm, tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn, phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật vỗ béo trong chăn nuôi đại gia súc... Đến nay, đã hỗ trợ các hộ dân trồng hơn 700 ha cỏ voi và hàng nghìn con giống để xây dựng, nhân rộng các mô hình chăn nuôi. Nhờ vậy, lĩnh vực chăn nuôi đã chuyển dần từ tự phát, nhỏ lẻ, nuôi thả rông sang nuôi nhốt chuồng, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Theo thống kê, toàn huyện hiện có gần 130.400 con gia súc và gần  513.000 con gia cầm. Sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng đạt trên 4.400 tấn/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường.

             

Pi Toong là một trong số những xã phát triển chăn nuôi của huyện, với lợi thế diện tích tự nhiên rộng, địa hình chủ yếu là đồi núi, có nhiều bãi chăn thả thuận lợi, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo mô hình trang trại với số lượng lớn. Hiện, toàn xã có gần 10.000 con gia súc, trên 63.000 con gia cầm. Nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên khá giả nhờ chăn nuôi gia súc, như hộ các ông: Sồng A Nênh, bản Nà Trà; Cà Văn Ngắm, bản Ten; Lò Văn Loa, bản Tong và Lò Văn Hà, bản Lứa... thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi.

             

Trang trại chăn nuôi lợn của HTX chăn nuôi Ít Ong (thị trấn Ít Ong) áp dụng quy trình liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, với quy mô 7.000 con lợn thương phẩm, sản lượng thịt hơi đạt 700 tấn/năm. Ông Nguyễn Đình Đạo, Phó Giám đốc HTX cho biết: Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, HTX xác định con giống, thức ăn và công tác phòng chống dịch bệnh là yếu tố quan trọng. Vì vậy, HTX liên kết toàn bộ các khâu từ con giống đến đầu ra sản phẩm với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. Năm 2019, doanh thu của HTX đạt trên 3 tỷ đồng.

             

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La, thông tin: Từ năm 2015 đến nay, huyện đã hỗ trợ kinh phí lắp đặt gần 100 bể khí biogas cho các hộ gia đình để xử lý chất thải chăn nuôi. Đến nay, chăn nuôi của huyện đã bắt đầu hình thành mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại cách xa khu dân cư theo hướng liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX, nuôi theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho hộ chăn nuôi. Đây sẽ là những mô hình điểm để tiếp tục nhân rộng.

             

Tuy nhiên, lĩnh vực chăn nuôi của huyện Mường La phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của phát triển chăn nuôi trong xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở những xã, bản đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi còn hạn chế. Để phát triển chăn nuôi trở thành ngành chính trong cơ cấu kinh tế, thời gian tới, huyện Mường La tập trung chỉ đạo, rà soát quy hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình chăn nuôi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, hỗ trợ nông dân từ cách lựa chọn con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc theo hướng liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX. Phấn đấu đến năm 2025, chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới