Khai thác lợi thế về khí hậu mát mẻ quanh năm, hơn 4.000 ha rừng chủ yếu là rừng già tự nhiên, nhiều khe suối, độ ẩm cao, phù hợp cho cây thảo quả phát triển, những năm gần đây, người dân xã Chiềng Ân (Mường La) đã mở rộng diện tích trồng cây thảo quả dưới tán rừng để tăng thu nhập và gắn với việc quản lý, bảo vệ rừng.
Người dân bản Ta Pù Chử, xã Chiềng Ân (Mường La) thu hoạch thảo quả.
Gia đình anh Giàng A Pánh, bản Ta Pù Chử là một trong những hộ đầu tiên mang giống cây thảo quả về trồng. Anh Pánh, kể: Năm 2013, gia đình tôi mang giống thảo quả từ huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) về trồng 2 ha dưới tán rừng, khe suối, song bị ảnh hưởng của đợt băng giá, mưa tuyết nhiều cây bị chết và mất mùa nên phải trồng lại, nên phải đến năm 2016 mới bắt đầu được thu hoạch. Từ đó đến nay, năng suất và sản lượng liên tục tăng, vụ năm nay gia đình tôi thu được trên 1 tấn quả khô, bán với giá hơn 100 nghìn đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng. Nhờ trồng thảo quả, gia đình tôi đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Tôi đã chia sẻ kinh nghiệm trồng thảo quả với các hộ trong bản. Hiện cả bản có 20 ha cây thảo quả.
Còn ông Cứ A Lử, bản Nong Hoi Dưới cũng trồng hơn 1 ha cây thảo quả dưới tán rừng, vụ vừa qua, gia đình ông thu hơn 4 tấn quả tươi, bán được hơn 80 triệu đồng. Ông Lử bảo, từ khi trồng cây thảo quả, cuộc sống gia đình và nhiều hộ trong bản đã khá lên nhiều.
Tìm hiểu được biết, từ vài ha thảo quả trồng từ năm 2012, đến nay toàn xã có hơn 50 ha, tập trung chủ yếu ở các bản: Ta Pù Chử, Nong Bông, Nong Hoi Dưới, Sạ Súng… Trong đó, hơn 20 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 80 tấn quả tươi/năm, còn lại là diện tích đang chăm sóc và trồng mới. Những năm gần đây, thảo quả được giá, được mùa, đã mang lại thu nhập ổn định. Nhờ trồng thảo quả, cuộc sống của nhiều hộ dân trong xã không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả, có hộ thu hàng trăm triệu đồng/năm từ thảo quả. Theo người dân nơi đây, thảo quả là loại cây ưa bóng mát, dễ trồng, ít công chăm sóc, thích nghi với độ ẩm cao, nhất là khe suối.
Ông Sùng A Tủa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ân, cho biết: Cây thảo quả đã và đang giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, để cây thảo quả phát triển bền vững, bên cạnh việc khuyến khích mở rộng diện tích, xã đã tuyên truyền, vận động bà con gắn với bảo vệ rừng, tránh các tác động gây hại đến môi trường tự nhiên khi canh tác. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn nhân dân quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Người dân xã Chiềng Ân (Mường La) thu hoạch thảo quả.
Có thể thấy, cây thảo quả đang dần khẳng định hiệu quả trên vùng cao Chiềng Ân, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giúp người dân nơi đây xóa nghèo bền vững.
Tên dân gian: thảo quả còn gọi là đò ho, tò ho, mac hâu, may mac hâu. Tên khoa học: Amomum tsaoko Crevost et Lem. Họ Gừng (Zingiberaceae). Công dụng của quả thảo quả: có tác dụng trục hàn, ráo thấp, trừ đờm, ấm bụng, tiêu tích, giúp ăn ngon miệng; trị sốt rét; bụng đau, bụng đầy hơi; tiêu hóa rối loạn do ăn uống, không tiêu; trị miệng hôi... |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!