Mường La thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2018 - 2020, huyện Mường La đã tiến hành điều tra, khảo sát các sản phẩm có lợi thế trên địa bàn toàn huyện để xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Sản phẩm tinh dầu sả Java của HTX tinh dầu dược liệu Mường La,

bản Nà Núa, xã Pi Toong được lựa chọn sản phẩm OCOP của tỉnh, huyện.

Để triển khai Chương trình, huyện Mường La đã chỉ đạo các xã, thị trấn điều tra, khảo sát, thu thập thông tin đầy đủ, chính xác các sản phẩm thế mạnh của mỗi vùng, xác định sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương đưa vào đề án chung của huyện. Quy hoạch hướng phát triển và xây dựng đề án triển khai thực hiện. Phối hợp với các ngành hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân về ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch. Trong đó, lựa chọn sản phẩm chủ lực gắn với doanh nghiệp, HTX để triển khai mô hình thí điểm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích các hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia, đăng ký các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất; phổ biến những cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển ngành nghề, phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: Chính sách hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; chuyển giao khoa học công nghệ; chính sách khuyến nông và đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, các hộ dân, HTX trên địa bàn đã tập trung mở rộng diện tích những loại cây trồng theo hướng hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với sơ chế, chế biến, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến; phát triển thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX... thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm được lựa chọn. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Ngay từ đầu năm 2019, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo và Hội đồng đánh giá chất lượng sản phẩm cấp huyện nhằm lựa chọn, đề xuất sản phẩm đánh giá cấp tỉnh. Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP tại huyện; lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn sự nghiệp và các nguồn vốn khác để đầu tư, hỗ trợ xây dựng sản phẩm đặc trưng. Qua rà soát, huyện Mường La đã lựa chọn những sản phẩm có thế mạnh, như: Tinh dầu sả Java xã Pi Toong; gạo nếp tan, du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến; gạo tẻ nương xã Chiềng Ân; cá sấy sông Đà xã Chiềng Hoa; táo đại, xoài xã Mường Bú...

Tinh dầu sả Java của HTX tinh dầu dược liệu Mường La là sản phẩm tiêu biểu của huyện và là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, có vùng nguyên liệu trồng sả hơn 80 ha, trong đó 45 ha đang cho thu hoạch. Bà Lò Thị Kim Thương, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, HTX đang sản xuất tinh dầu dạng lọ có vòi xịt và lọ nắp đậy dùng cho đèn xông tinh dầu; sản phẩm của HTX đã và đang được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, chúng tôi đã liên kết ký gửi sản phẩm tại điểm du lịch xã Ngọc Chiến, tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm tại các hội chợ do tỉnh, huyện tổ chức. Sau khi sản phẩm được UBND tỉnh lựa chọn để phát triển thành sản phẩm OCOP, huyện đã định hướng chúng tôi phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ thủ tục hành chính và hơn 300 triệu đồng đầu tư nâng cao chất lượng, tem mác, quảng bá sản phẩm. Thời gian tới, HTX sẽ tập trung phát triển vùng nguyên liệu theo hướng liên kết, mở rộng diện tích trồng sả ở một số xã, như: Pi Toong, Mường Trai, Hua Trai, Mường Chùm, Chiềng Hoa với tổng diện tích hơn 200 ha và tiến tới xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản... để nâng cao thu nhập cho HTX, cũng như tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

Với tiềm năng và lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, thời gian tới, huyện Mường La tập trung xây dựng, triển khai thành công Chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu năm 2020, sẽ xây dựng du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến đạt sản phẩm OCOP của tỉnh.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới