Mường La huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng

Xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là khâu đột phá, tạo nền tảng vững chắc trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Mường La đã huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, đầu tư xây dựng hàng trăm công trình trên các lĩnh vực.

 

Thi công tuyến đường liên bản vùng cao xã Ngọc Chiến (Mường La).

 

10 năm qua (2010-2020), từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện Mường La đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng mới 179 công trình cấp nước tập trung; 14 công trình điện; 3 trụ sở xã; 8 trạm y tế xã; 15 nhà văn hóa xã và 58 nhà văn hóa bản; hoàn thành đưa vào sử dụng chợ Mường Bú. Đặc biệt, huyện đã thực hiện bê tông hóa 768 tuyến đường giao thông, với tổng chiều dài 169,5 km, tổng kinh phí trên 232 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 170 tỷ đồng, còn lại ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện hỗ trợ thông qua các Chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện và nguồn vốn huy động sự nghiệp giáo dục. Nhờ đó, giao thông ở một số địa phương trước đây còn nhiều khó khăn, bị cô lập, chia cắt trong mùa mưa lũ như Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Muôn, hiện đã đi lại thuận lợi cả 4 mùa. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 17% tuyến đường giao thông trục bản, tiểu khu, đường liên bản được cứng hóa; 82% dân số toàn huyện được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 8/15 xã đạt tiêu chí về điện; 2 xã đạt tiêu chí về trường học; 6/15 xã đạt tiêu chí về giáo dục; 10/15 xã đạt tiêu chí về y tế; 190 bản có nhà văn hóa...

 

Tuy nhiên, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn của huyện Mường La trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan. Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, chỉ riêng trận bão lũ xảy ra năm 2017 đã phá hủy hàng trăm công trình điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt trên địa bàn các xã: Nặm Păm, thị trấn Ít Ong, Pi Toong... ước tổng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, do địa bàn các xã rộng, bị chia cắt, núi cao, dốc, đã phát sinh chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông. Trong khi đó, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nên việc huy động vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa không được nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, mà nguồn vốn được cấp hàng năm lại hạn chế so với nhu cầu, nhất là nguồn vốn cấp làm đường giao thông nông thôn.

 

Thời gian tới, huyện Mường La tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác quy hoạch, huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện cân đối, phân bổ hợp lý nguồn vốn, phù hợp với nhu cầu và thực tế tại các địa phương. Đôn đốc các chủ đầu tư, UBND các xã, thị trấn, các ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xây dựng đã được giao vốn; lựa chọn nhà thầu có năng lực, trách nhiệm, đảm bảo thi công đúng thời hạn quy định; quản lý chặt chẽ quá trình thi công, nghiệm thu, bàn giao, đảm bảo phát huy hiệu quả công trình khi đưa vào khai thác, sử dụng. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện dự án, nhất là giám sát của HĐND các cấp và cộng đồng dân cư, ngăn ngừa thất thoát lãng phí trong đầu tư, nâng cao chất lượng hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới