Vụ xuân năm nay, huyện Mường La phấn đấu gieo cấy gần 1.000 ha lúa, tập trung chủ yếu ở các xã Mường Bú, Chiềng Hoa, Chiềng Lao, Nặm Păm... Để đảm bảo gieo cấy đúng khung thời vụ, những ngày này tranh thủ thời tiết thuận lợi bà con nông dân đang tập trung làm đất để cấy lúa xuân.
Nhân dân bản Chiến, xã Chiềng San (Mường La) ra quân làm thủy lợi.
Ngay từ trước Tết Nguyên đán, huyện Mường La đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung thu hoạch cây trồng vụ đông; tiến hành gieo mạ, cày ải, nạo vét hệ thống mương nội đồng đủ nước sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn cơ cấu giống, biện pháp chăm sóc lúa, phòng trừ sâu bệnh... Cơ cấu giống vụ xuân chủ yếu là giống lúa 87, 86 và các giống lúa thuần có năng suất chất lượng cao. Tập trung tuyên truyền, khuyến cáo kỹ thuật thâm canh, đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu làm đất, áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) và áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) theo hướng tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm phân bón vô cơ. Đến thời điểm này, huyện Mường La đã gieo cấy được khoảng 300 ha, đạt trên 30% kế hoạch.
Về xã Pi Toong, thời điểm này, không khí lao động của những người nông dân trên các cánh đồng thật khẩn trương. Ông Quàng Văn Hom, bản Ten, chia sẻ: Gia đình có 600m² trồng lúa, nhờ có máy cày mini nên việc làm đất nhanh, đỡ vất vả hơn nhiều. Thời tiết thuận lợi nên cày ải sớm, ủ phân chuồng vừa tạo thoáng cho đất, vừa phòng ngừa sâu bệnh hại trên lúa.
Bà Lường Thị Niên nói: Vụ xuân năm nay gia đình tôi cấy giống nếp 87. Trước Tết Nguyên đán gia đình đã làm đất xong, gieo mạ và tham gia với các hộ trong bản khơi thông mương dẫn nước nội đồng. Gia đình cũng chuẩn bị khoảng 5 tạ phân NPK tổng hợp để bón thúc cho lúa. Tôi hy vọng vụ này sẽ bội thu.
Vụ chiêm xuân năm nay, xã Pi Toong cấy 78 ha lúa. Để hoàn thành đúng khung thời vụ, xã đã chỉ đạo nhân dân chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất như: làm đất, gieo mạ, sửa chữa các tuyến mương nội đồng, điều tiết nguồn nước hợp lý, bảo đảm nước tưới phục vụ cho sản xuất. Trước đây, người dân trồng lúa chủ yếu gieo sạ, cây lúa phát triển không đều, nhiều sâu bệnh, cỏ dại mọc nhiều, người dân phải phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu. Từ khi được hướng dẫn trồng lúa theo phương pháp SRI, lúa ít sâu bệnh, cho năng suất cao hơn.
Ông Vũ Đình Tùng, Trưởng Chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại Mường La, thông tin: Chi nhánh đang quản lý, khai thác, bảo vệ 340 công trình thủy lợi, trong đó: 96 đập xây, 68 phai tạm, 162 cửa lấy nước các loại, 11 phai rọ thép và 3 hồ chứa nước với tổng chiều dài kênh tưới 383.460 m. Qua rà soát có 102 ha ruộng tập trung chủ yếu tại xã Pi Toong, Mường Bú có khả năng bị hạn, trong đó: 29,7 ha có khả năng phục hồi bằng biện pháp nạo vét, khơi thông dòng chảy, be bờ; 46,4 ha có khả năng phục hồi nhưng cần cấp dầu bơm chống hạn; hơn 26 ha phải chuyển đổi cây trồng khác.
Trước đó, để đảm bảo cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, Chi nhánh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND các xã, thị trấn huy động trên 20.000 người tham gia làm thủy lợi mùa khô, nạo vét trên 184 km kênh mương, sửa chữa 152 phai tạm; sửa chữa 4 công trình thủy lợi; năm 2020 đã nâng cấp, sửa chữa và bàn giao đưa vào sử dụng 14 công trình thủy lợi cho 8 bản ở các xã: Mường Bú, Nặm Păm, Chiềng San, Mường Chùm và thị trấn Ít Ong.
Theo kế hoạch, huyện Mường La phấn đấu đến 15/3 sẽ hoàn thành việc gieo cấy lúa vụ xuân. Với khí thế sản xuất khẩn trương, điều kiện thời tiết thuận lợi, tin rằng vụ lúa xuân năm nay sẽ mang về vụ mùa vàng bội thu cho người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!