Năm 2020, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mường La gặp nhiều khó khăn, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, gió lốc, mưa lũ, sạt lở làm thiệt hại nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và tài sản, hoa màu, vật nuôi của nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn của huyện đã nỗ lực triển khai các giải pháp chỉ đạo, điều hành và chính sách hỗ trợ giúp nhân dân vượt qua khó khăn, vì vậy, nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện duy trì phát triển ổn định, sản lượng lương thực đạt khá; chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững được triển khai hiệu quả từ huyện đến cơ sở.
Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mường La hướng dẫn nhân dân xã Nặm Păm kỹ thuật trồng cây ăn quả trên đất dốc.
Cùng với tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, các xã đã vận động bà con tích cực thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tăng năng suất, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Tổng diện tích gieo trồng hằng năm 18.588 ha; trong đó, riêng diện tích cây lương thực có hạt trên 12.200 ha, sản lượng lương thực có hạt trên 50.000 tấn. Tiếp tục thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, trong năm, toàn huyện đã trồng mới được 343 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích lên 4.900 ha cây ăn quả các loại và 2.229 ha cây sơn tra, sản lượng quả tươi đạt gần 18.300 tấn. Đặc biệt, sản phẩm xoài, nhãn, chuối của huyện đã được bán tại chuỗi siêu thị BigC, Vincom, Vinmart và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Chương trình phát triển chăn nuôi, trọng tâm là triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc và nuôi trồng thủy sản trên các lòng hồ thủy điện được thực hiện hiệu quả. Đàn gia súc toàn huyện năm 2020 phát triển khá ổn định, tổng đàn trâu, bò gần 40.000 con, diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi 972 ha, tăng 24% so với năm 2019. Trên địa bàn hiện có 1 HTX chăn nuôi tại thị trấn Ít Ong, quy mô 8.000 con/năm, còn lại chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ, phân bố tại các xã, thị trấn. Lĩnh vực thủy sản có nhiều khởi sắc cả về nuôi ao hồ và nuôi cá lồng trên lòng hồ các công trình thủy điện, với nhiều sản phẩm cá đặc sản, toàn huyện hiện có 907 lồng cá. Trong đó, Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam - Sơn La đầu tư quy mô lớn và 4 HTX nuôi cá lồng, quy mô từ 15-100 lồng, tạo liên kết giữa các hộ nuôi cá và hình thành khu vực nuôi cá lồng, đem lại thu nhập cao cho các thành viên tham gia. Năm 2020, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 800 tấn, sản lượng khai thác đạt 200 tấn. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã đã phối hợp tổ chức tập huấn, tuyên truyền chống sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản, nhằm bảo vệ môi trường và tổ chức thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã đổi mới công tác tuyên truyền, vận động và công tác đào tạo, tập huấn theo hướng thiết thực, dễ làm, dễ hiểu, tập trung vào những nội dung vận động nhân dân đổi mới tư duy, vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, không có tệ nạn; cán bộ năng động, tích cực, thạo việc, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế. Đồng thời, tập trung nguồn lực từ nguồn ngân sách, huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong năm, từ nguồn vốn ngân sách gần 53 tỷ đồng, huyện đã phân bổ xây dựng 16 công nước sinh hoạt, 20 công trình thủy lợi và 2 nhà văn hóa; cùng với đó, nhân dân tham gia đóng góp ngày công, nguyên vật liệu, giải phóng mặt bằng, tổng trị giá trên 7,2 tỷ đồng, góp phần nâng cao kết cấu hạ tầng nông thôn. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, các xã đẩy mạnh việc hướng dẫn đăng ký thành lập mới các HTX, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp hiện có; đến nay trên địa bàn huyện có 34 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Điểm nổi bật, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện chuẩn hóa các sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp huyện năm 2020 đối với các sản phẩm: Táo đại Mường Bú, gạo nếp tan Ngọc Chiến, thịt bò hun khói thị trấn ít Ong và đề nghị tỉnh thẩm định, đánh giá, xếp hạng sản phẩm du lịch cộng đồng Homestay Ngọc Chiến làm điểm OCOP cấp tỉnh năm 2020. Kết quả thực hiện theo Bộ tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn huyện năm 2020, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt 16 tiêu chí, 7 xã đạt 10-14 tiêu chí, 4 xã đạt 7-9 tiêu chí. Phấn đấu hết năm 2025 có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 8 bản nông thôn mới và 6 bản nông thôn mới kiểu mẫu.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, huyện Mường La đang tiếp tục đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhất là sản xuất theo quy trình VietGAP, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ các nhà máy chế biến, gắn với phát triển sản phẩm lợi thế; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!