Tận dụng những nguyên liệu có sẵn ở địa phương, như: mùn cưa, lõi ngô, rơm rạ, nhiều hộ dân ở thị trấn Ít Ong, huyện Mường La đã triển khai mô hình trồng nấm cho giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mô hình trồng nấm của gia đình chị Phan Thị Quế, tiểu khu 5, thị trấn Ít Ong (Mường La).
Chị Phan Thị Quế, tiểu khu 5, có nhiều kinh nghiệm trồng nấm ở Ít Ong. Trước đây, gia đình chị thu mua lõi ngô để bán cho các cơ sở trồng nấm ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh làm giá thể trồng nấm. Bị cuốn hút từ những lần tham quan mô hình tại các cơ sở này, chị bắt đầu tìm hiểu và mang phôi nấm về trồng thử, ban đầu vì chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ mọc thấp, mầm dễ bị thui héo. Không bỏ cuộc, năm 2018, chị Quế đăng ký một khóa học về kỹ thuật trồng nấm tại Học viện Nông Nghiệp Việt Nam. Nắm chắc kiến thức, chị trở về đầu tư máy móc, hệ thống tưới ẩm, giàn treo, xây dựng nhà xưởng quy mô 4.000m². Trong quá trình trồng, chị áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật trồng nấm hữu cơ, từ việc cấy giống vào túi, tiến hành đóng vào bịch nguyên liệu, cho đến việc hấp thanh trùng, khử độc tất cả các bịch phôi giống trước khi đưa vào nhà kín để nuôi trồng... Dẫn chúng tôi thăm khu trồng nấm, với trên 30.000 phôi nấm sò nâu, sò tím đang cho thu hoạch, chị Quế, chia sẻ: Hầu hết các loại nấm có thời gian sinh trưởng khoảng 3 tháng, nên để đảm bảo sản xuất, cơ sở thường đóng phôi sẵn để chờ cấy giống gối vụ. Trung bình mỗi năm cơ sở xuất bán gần 80 tấn nấm các loại, bán với giá từ 30- 80 nghìn đồng, sau khi trừ chi phí mang về lợi nhuận trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động ở địa phương với mức lương 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Nhận thấy nấm là mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng, gia đình chị Lò Thị Thu, tiểu khu Ít Bon đã trồng nấm sò từ năm 2017. Theo chị Thu, so với nhiều loại cây trồng khác, trồng nấm chi phí sản xuất thấp, không tốn công chăm sóc, lại mang hiệu quả cao, chỉ cần đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thích hợp cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. Mỗi năm gia đình chị trồng từ 7-8 vụ, trung bình khoảng 16.000 phôi nấm, sản lượng đạt trên 10 tấn/năm, trừ chi phí cho thu nhập 150 triệu đồng.
Được biết, những năm gần đây, chính quyền thị trấn Ít Ong đã tích cực tuyên truyền bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, Thị trấn có 1 cơ sở sản xuất nấm hữu cơ và hơn chục hộ trồng nấm đơn lẻ, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong huyện và một số huyện lân cận. Ông Trần Hải Sơn, Chủ tịch UBND Thị trấn Ít Ong, cho biết: Để tránh tình trạng phát triển ồ ạt “cung vượt cầu”, đặc biệt là đảm bảo đầu ra bền vững, Thị trấn đã vận động các hộ trồng nấm thành lập hợp tác xã; tạo điều kiện cho các hộ dân tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ nông sản do huyện tổ chức. Đồng thời, liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tiêu thụ sản phẩm cho người dân ổn định.
Mô hình trồng nấm ở thị trấn Ít Ong bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay, trở thành hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương, giúp người dân có thêm sự lựa chọn trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!