Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Ân, huyện Mường La đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân và các chủ rừng thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và PCCC rừng. Toàn xã có hơn 4.200 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ, trong đó trên 1.100 ha rừng phòng hộ, gần 100 ha rừng sản xuất, còn lại là rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng toàn xã đạt 52%.
Cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn và tổ quần chúng bảo vệ rừng bản Sạ Súng, xã Chiềng Ân (Mường La) tuần tra bảo vệ rừng.
Chiềng Ân đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của xã; phân công các thành viên phụ trách từng địa bàn các bản. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, quản lý lâm sản, PCCCR và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tới nhân dân trên địa bàn. Chỉ đạo các tổ, đội bảo vệ PCCCR phối hợp với kiểm lâm địa bàn, cùng người dân tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy... Đồng thời, đưa nội dung bảo vệ rừng vào quy ước, hương ước của bản, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân; xây dựng các biển báo cấm chặt phá rừng, cấm lửa tại nhà văn hóa bản, trục đường chính các bản, các khu rừng trọng điểm.
Ngay từ đầu mùa khô năm nay, xã đã xây dựng phương án PCCCR, củng cố 7 tổ bảo vệ rừng, với hơn 80 thành viên tham gia, thực hiện chế độ trực 24/24 giờ trong các tháng mùa khô hanh, nắng nóng kéo dài, đảm bảo tiếp nhận và xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Đồng thời, tổ chức ký cam kết giữa các hộ dân về thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR; hướng dẫn người dân phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa, thực hiện đốt nương theo giờ quy định...
Trung bình hàng năm, Chiềng Ân được chi trả gần 2,3 tỷ đồng tiền dịch vụ chi trả môi trường rừng, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo ban quản lý các bản xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí chi tiết và phải được xã phê duyệt, bảo đảm sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, công khai, minh bạch.
Ông Sùng A Tủa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ân, cho biết: Phần lớn kinh phí dùng để thực hiện các công trình theo chương trình xây dựng nông thôn mới, gồm: Xây dựng đường bê tông, công trình nước sạch, thủy lợi, tu sửa nhà văn hóa, trường, lớp học và phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Qua đó, người dân không phải đóng góp kinh phí từ các nguồn thu nhập của gia đình, mà được hỗ trợ từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của cộng đồng bản. Từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng đã tạo thêm sinh kế cho người dân, ở các khu rừng tự nhiên, gần bờ suối, bà con đã trồng cây thảo quả dưới tán rừng để tăng thêm thu nhập.
Sạ Súng là một trong những bản có diện tích rừng lớn của xã Chiềng Ân, với hơn 1.800 ha rừng tự nhiên. Anh Tráng A Lềnh, Trưởng bản, thông tin: Được cán bộ xã, kiểm lâm phụ trách địa bàn tuyên truyền, bà con trong bản đã nhận thức được vai trò quan trọng của rừng. Ban Quản lý bản thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng; vận động, hướng dẫn nhân dân phát, đốt nương đúng quy trình, không để lửa cháy lan vào rừng. Nhờ vậy, nhiều năm qua, trên địa bàn không xảy ra cháy rừng, phá rừng làm nương, hoặc khai thác lâm sản trái phép.
Chiềng Ân đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chỉ đạo các lực lượng của xã phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra, kiểm soát rừng, xử lý các đối tượng khai thác lâm sản trái phép; duy trì hiệu quả tổ, đội quản lý, bảo vệ rừng tại các bản. Khuyến khích bà con khai hoang diện tích ruộng bậc thang, chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng sơn tra, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn đất. Đồng thời, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo thêm sinh kế, giúp bà con có thêm thu nhập từ nghề rừng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!