Ghi ở Trường Mầm non Chiềng Công

Đến thăm Trường Mầm non Chiềng Công (Mường La) vào những ngày nắng hè chói chang, tiếng ve ngân vang, hòa cùng tiếng cười đùa của trẻ thơ, chứng kiến sự ân cần chăm sóc, giáo dục trẻ của các cô giáo nơi đây, với sự yêu nghề, mến trẻ, vì “mầm non tương lai” của đất nước.

 

Giờ ra chơi của các trẻ Trường Mầm non Chiềng Công (Mường La).

 

Từ thị trấn Ít Ong đi qua các xã Chiềng San, Chiềng Hoa dài gần 40 km với nhiều đoạn đường đất, đá gồ ghề, chúng tôi đến Trường Mầm non Chiềng Công. Hiện ra trước mắt chúng tôi là ngôi trường được xây dựng khang trang bên sườn đồi, xung quanh trường là những đồi cây sơn tra xanh bạt ngàn, có vườn hoa, khu vui chơi với nhiều đồ chơi ngoài trời... Cô giáo Lò Thị Diệp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường hiện có 1 điểm trung tâm và 16 điểm trường lẻ tại 16 bản xa trung tâm của xã, với hơn 500 trẻ theo học, chủ yếu là dân tộc Mông và La Ha. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, cơ sở vật chất tại khu trung tâm và các điểm trường từng bước được đầu tư đồng bộ, đáp ứng việc chăm sóc, dạy trẻ.

 

Với đặc thù là xã vùng cao, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, địa bàn dân cư rộng, nên việc đưa trẻ đến trường gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những ngày vào mùa vụ,  các bé thường theo bố, mẹ lên nương... Trước thực trạng đó, nhà trường đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của giáo dục đến từng hộ dân. Đồng thời, chỉ đạo giáo viên thường xuyên theo dõi sĩ số trẻ hàng ngày của lớp, kịp thời phát hiện những bé nghỉ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn để xuống từng hộ vận động phụ huynh đưa con lên lớp. Xác định đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, nhà trường luôn tạo điều kiện để các cô tham gia các lớp học, khóa bồi dưỡng; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tháng, dự giờ rút kinh nghiệm; tổ chức “Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường” hằng năm. Khuyến khích việc tận dụng những vật dụng có sẵn ở địa phương làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ giảng dạy. Hiện nhà trường có 21 cán bộ, giáo viên, trong đó, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; 2 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 5 giáo viên dạy giỏi cấp trường. 

 

Bên cạnh đó, để giúp các trẻ phát triển toàn diện về thể chất trí tuệ, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, như: Hát, múa; hội thi giao lưu tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số... Đồng thời, lồng ghép các nội dung giáo dục theo chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm, giáo dục giới tính, kỹ năng sống vào các hoạt động ngoại khoá phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, địa phương. Tổ chức cho trẻ tham gia chơi các trò chơi dân gian vào các ngày lễ hội trong năm. Qua đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để trẻ giao lưu cùng bạn bè, phát triển thể chất, rèn luyện các kỹ năng sống, hoạt động tập thể. Hằng năm, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 96%; bé ngoan, bé chuyên cần đạt hơn 92%; tỷ lệ phát triển về thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mĩ, tình cảm và kỹ năng xã hội đạt trên 90%.

 

Chính sự nỗ lực của các cô giáo nơi vùng cao đã chiếm được lòng tin của các phụ huynh, anh Giàng A Trợ, bản Co Sủ Trên, cho biết: Hiện, tôi có con gái 4 tuổi đang theo học lớp mẫu giáo bé tại Trường Mầm non Chiềng Công. Gửi con ở đây, chúng tôi rất yên tâm vì các cô giáo tận tình chăm sóc, dạy bảo, giúp các cháu phát triển tốt.

 

Chia tay cô và trò Trường Mầm non Chiềng Công, chúng tôi tin rằng, với những kết quả đạt được sẽ là động lực để tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường thực hiện tốt việc nuôi, dạy trẻ, xứng đáng với niềm tin yêu của các bậc phụ huynh vùng cao còn nhiều gian khó.

A Mua
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới