Mỗi lần lên xã Ngọc Chiến (Mường La), chúng tôi lại được chứng kiến những đổi thay ở nơi đây, lần này là câu chuyện làm cổng chào độc đáo tại các bản, mỗi chiếc mỗi vẻ, mang đậm nét văn hóa riêng biệt ở xã vùng cao.
Nhân dân bản Phày, xã Ngọc Chiến vui văn nghệ tại lễ khánh thành cổng chào.
Dẫn chúng tôi đi tham quan, đồng chí Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Để thực hiện ý tưởng xây dựng cổng chào ở các bản, nhằm khôi phục, lưu giữ nét văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nông thôn mới và trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch. Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã đưa ra chủ trương triển khai thực hiện đến cấp ủy, ban quản lý các bản để họp bàn thống nhất với nhân dân và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của bà con trong xã. Việc thực hiện mỗi bản một cổng chào được phát huy bằng chính nội lực với sự đóng góp 100% kinh phí, ngày công của nhân dân.
Trong quá trình triển khai, các bản tự nêu ý tưởng và thiết kế mẫu cổng chào dựa theo khả năng của từng bản, việc lựa chọn chất liệu phù hợp, mang bản sắc riêng, các mẫu sẽ được xã tư vấn, duyệt và giám sát thi công. Các công trình bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 9/2020, với 19 cổng chào thuộc 15 bản, tổng kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng, đều do nhân dân đóng góp. Sau gần 3 tháng triển khai, đến thời điểm này, đã có 17/19 cổng chào các bản đã hoàn thành. Anh Lò Văn Án, Trưởng bản Mường Chiến, tự hào nói: Chúng tôi đã tổ chức họp bàn với người dân trong bản và nhận được sự đồng thuận cao. Bà con cùng nhau nêu ý tưởng và vẽ mẫu, dự trù kinh phí xây dựng. Vận động các hộ dân đóng góp được 65 triệu đồng mua vật liệu, đồng thời lựa chọn 8 người biết xây dựng thi công sau 2 tháng cổng chào của bản hoàn thành. Cổng được sử dụng chất liệu bằng bê tông cốt thép, khung sắt, 2 trụ cột ở phần chân được gắn đá, mái và phần trên ốp bằng gỗ pơ mu, loại gỗ đặc trưng của vùng đất này, bên trên gắn biển “Bản văn hóa - Mường Chiến”, cổng chào là niềm tự hào của người dân trong bản.
Cắt băng khánh thành cổng chào bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến (Mường La).
Qua quan sát, mỗi cổng chào có dáng vẻ, nét độc đáo riêng biệt, từ chất liệu, quy mô, mức đầu tư xây dựng khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi bản. Nếu như cổng chào của bản Chom Khâu được làm hoàn toàn bằng gỗ, thì cổng chào ở bản Pu Dảnh lại được xây dựng bằng xi măng cốt thép, mái lợp ngói đỏ và dùng những viên sỏi cuội ở suối để gắn dòng chữ tên của bản. Cổng chào bản Lướt, với dòng chữ “Bản du lịch cộng đồng bản Lướt - Kính chào quý khách”; cổng chào bản Đông Xuông lại được viết bằng chữ phổ thông và chữ Thái... Có thể nói, 19 chiếc cổng chào của các bản là 19 tác phẩm nghệ thuật do nhân dân Ngọc Chiến tạo nên, tất cả đều có giá trị kiến trúc đặc biệt, mang lại cho người dân niềm tự hào và du khách những trải nghiệm khó quên.
Phấn khởi trong ngày cắt băng khánh thành cổng chào của bản, ông Lò Văn Xưng, bản Lướt, nói: Ngày xưa những chiếc cổng chào bản chỉ được làm bằng gỗ đơn sơ. Nay, với sự đồng lòng của người dân trong bản đóng góp xây dựng, ngoài việc để nhận diện bản, ranh giới giữa bản này với bản khác, mà còn là nơi để nhớ về mỗi lúc đi xa.
Cổng chào ở bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến.
Chuyện làm cổng chào các bản đã minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất của cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở Ngọc Chiến. Cùng với việc làm cổng chào ở các bản, để tiến tới đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới vào năm 2023, xã Ngọc Chiến tiếp tục triển khai mở rộng các tuyến đường, đầu tư phát triển các khu du lịch; xây dựng khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa truyền thống; vận động người dân làm những tuyến đường hoa, các gia đình làm cổng nhà theo phong tục truyền thống... góp phần khai thác tiềm năng, tạo điểm nhấn phát triển du lịch.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!