Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những năm qua, Mường La đã chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án và hỗ trợ sản xuất, từng bước hiện thực hóa tiềm năng. Nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi cho năng xuất, hiệu quả kinh tế cao theo hướng hàng hóa tiếp tục nhân rộng, tạo ra một số sản phẩm chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Mô hình trồng táo đại chất lượng cao của HTX Hưng Thịnh, xã Mường Bú.
Xác định đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là yếu tố quan trọng, trong năm 2019, các đơn vị chuyên môn của huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp nhu cầu thực tế của người dân để mở các lớp đào tạo, tập huấn, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho hàng nghìn lượt người về các nội dung: Phương án phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật vỗ béo chăn nuôi đại gia súc; kỹ thuật chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học; các giải pháp hạn chế lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn; kỹ thuật ghép cải tạo cây ăn quả, kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc, quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 4 đúng...
Để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Mường La thực hiện hỗ trợ xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho sản phẩm xoài, mận; hỗ trợ trồng mới trên 55 ha xoài Đài Loan, 68 ha mận hậu... tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo nhanh bền vững, huyện triển khai thực hiện 47 dự án, trong đó 34 dự án chăn nuôi 747 con bò cái; 12 dự án hỗ trợ cây ăn quả với diện tích gần 160 ha xoài, nhãn; 1 dự án hỗ trợ trồng sả Java 35,5 ha cho trên 1.000 hộ trên địa bàn các xã thuộc diện nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, kinh phí 12,5 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ trên 12.600 cây xoài Đài Loan GL4 hai năm tuổi, gần 14.900 cây mận hậu ghép, kinh phí trên 2,5 tỷ đồng cho các hộ trên địa bàn bằng nguồn hỗ trợ sản xuất theo chương trình sự nghiệp kinh tế của huyện...
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, lĩnh vực nông nghiệp huyện Mường La chuyển biến rất tích cực, chuyển đổi hàng trăm ha đất trồng cây hoa màu trên đất dốc năng suất, hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, cây sơn tra và cây dược liệu... toàn huyện hiện có trên 4.100 ha cây ăn quả, sản lượng gần 14.200 tấn quả/năm; hơn 2.200 ha cây sơn tra, không chỉ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHKT trong trồng, chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP, các loại xoài, nhãn, táo đại, mận hậu, chuối đã có mặt tại chuỗi siêu thị Vincom, VinMart, BigC... Đặc biệt, Mường La chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các HTX liên kết, xuất khẩu được 4.885 tấn xoài, nhãn, chuối, mận hậu theo đường chính ngạch và tiểu ngạch. Chăn nuôi tiếp tục duy trì và phát triển với trên 38.000 con trâu, bò, hơn 63.600 con lợn, đàn gia cầm trên 477 nghìn con. Sản xuất thủy sản có nhiều khởi sắc cả nuôi trong ao hồ và nuôi cá lồng trên lòng hồ các công trình thủy điện, sản lượng ước tính 720 tấn/năm… Đặc biệt, các sản phẩm nông sản của huyện khi trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ thương mại do huyện, tỉnh tổ chức được khách hàng đánh giá cao; các loại xoài, táo và sản phẩm tinh dầu xả Java của HTX Tinh dầu dược liệu Mường La (xã Pi Toong) được chọn là sản phẩm OCOP của huyện, tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh.
Chia sẻ về những kết quả và định hướng thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, nói: Với các giải pháp thiết thực, hiệu quả từ công tác rà soát, quy hoạch, lập phương án, tổ chức triển khai, thực hiện các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mang đến những bước chuyển tích cực. Tính đến hết năm 2019, nhiều chỉ tiêu về nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu. Năm 2020, Mường La tiếp tục cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ các nhà máy chế biến gắn với phát triển sản phẩm lợi thế; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!