Chính sách tín dụng góp phần giảm nghèo bền vững

Những tháng đầu năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng huyện Mường La đã kịp thời phân bổ nguồn vốn các chương trình chính sách tín dụng, nhất là nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cho vay hỗ trồng rừng và phát triển chăn nuôi, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và các đối tượng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Hộ nghèo ở thị trấn Ít Ong (Mường La) được vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi đại gia súc.

 

Anh Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Mường La, cho biết: Năm 2020, tổng nguồn vốn các chương trình chính sách tín dụng trên địa bàn được phân bổ gần 410 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, Ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện đã phân bổ nguồn vốn và chỉ đạo các đoàn thể thực hiện tốt công tác ủy thác, bảo đảm phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH tăng cường phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, ban quản lý các bản rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tuyên truyền, phổ biến những điểm mới của các chương trình chính sách tín dụng đang thực hiện; tập trung xử lý rủi ro, nợ tồn đọng, hộ vay sử dụng vốn sai mục đích, chiếm dụng tín dụng chính sách.

 

Trên địa bàn huyện Mường La đang triển khai 15 chương trình chính sách tín dụng, dư nợ đến ngày 31/5/2020 trên 407 tỷ đồng, thông qua 377 tổ TK&VV, với 13.299 hộ được vay vốn. Để bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả vốn vay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã thực hiện nghiêm túc việc giao dịch tại xã theo lịch cố định; công khai hóa các hoạt động tại điểm giao dịch để người dân biết và thực hiện. Ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đối tượng thụ hưởng, mục đích vay vốn, hoạt động của tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và hoạt động của các tổ TK&VV. Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, nguồn vốn chính sách tín dụng cho vay đúng đối tượng và phát huy hiệu quả; sự phối hợp giữa Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH với các tổ chức đoàn thể, ban quản lý tổ TK&VV và cấp ủy, chính quyền các xã bảo đảm chặt chẽ, rõ trách nhiệm. Tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ Ngân hàng được nâng lên; quy trình nghiệp vụ từ khi triển khai phân bổ nguồn vốn, lập hồ sơ đến khi giải ngân và trả nợ Ngân hàng bảo đảm nhanh gọn, thuận tiện và an toàn. Nguồn vốn các chương trình chính sách tín dụng được giải ngân kịp thời đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp người dân có vốn đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, chương trình cho vay hộ nghèo có 5.941 hộ được vay, tổng dư hợ trên 176 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi, thời hạn dài, giúp bà con yêu tâm đầu tư phát triển sản xuất. Chương trình cho vay trồng rừng sản xuất và phát triển chăn nuôi với mục tiêu hỗ trợ vốn cho các hộ trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững, hiện có 648 hộ vay trên 26 tỷ đồng. Chương trình cho vay hộ cận nghèo có 1.009 hộ được vay trên 33 tỷ đồng; chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo có 401 hộ vay trên 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chương trình cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn, với tổng dư nợ trên 40 tỷ đồng, hiện đang giúp gần 2.000 hộ có vốn để phát triển chăn nuôi, mua máy móc, dụng cụ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên thoát nghèo...

 

Gia đình ông Quàng Văn Um, bản Hua Nặm là một trong hàng trăm hộ bị ảnh hưởng do trận lũ lịch sử đầu tháng 8/2017 ở xã Nặm Păm, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước để ổn định đời sống sau thiên tai, đầu năm 2018, gia đình được vay 50 triệu đồng từ ngân hàng CSXH. Ông Um chia sẻ: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp nhiều hộ trong bản có điều kiện đầu tư khôi phục sản xuất, mua con giống phát triển chăn nuôi đại gia súc và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năm nay, riêng vườn cây ăn quả gồm 200 cây nhãn ghép, xoài ghép và bưởi da xanh của gia đình sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên, dự kiến được khoảng 20 triệu đồng.

 

Hiện nay, cùng với tập trung quản lý, giám sát sử dụng vốn vay, xử lý nợ, Phòng giao dịch đang tiếp tục phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và giải quyết những vướng mắc trong quá trình giải ngân và sử dụng vốn vay. Đặc biệt, Phòng giao dịch đã kiến nghị, đề xuất với Ngân hàng CSXH Việt Nam tham mưu cho Chính phủ có chính sách ưu tiên lãi suất, giảm lãi suất đối với một số chương trình tín dụng, nhằm hỗ trợ các đối tượng vay vốn tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong những tháng đầu năm nay.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới