Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Ân, huyện Mường La đã tuyên truyền, vận động nhân dân khai hoang ruộng bậc thang để trồng lúa nước, giảm diện tích lúa nương, góp phần tăng năng suất, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác, đảm bảo lương thực tại chỗ, ổn định cuộc sống cho bà con trong xã.
Nông dân xã Chiềng Ân (Mường La) khai hoang ruộng bậc thang.
Là xã vùng III, Chiềng Ân cách trung tâm huyện 40 km, có 7 bản, với hơn 500 hộ dân tộc Mông và La Ha. Do đặc thù địa hình phức tạp, nhiều đồi núi dốc, đất sản xuất trên nương canh tác lâu năm bị rửa trôi, bạc màu, nên năng suất cây trồng đạt thấp. Do vậy, xã đã tuyên truyền, vận động bà con khai hoang ruộng bậc thang ở những nơi có điều kiện phù hợp, nhằm mở rộng diện tích trồng lúa nước. Hiện, xã đã được Nhà nước đầu tư kiên cố hóa 6,1 km kênh mương thủy lợi. Cùng với đó, xã còn chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; chọn giống lúa mới đưa vào thâm canh...
Anh Cứ A Gạng, Trưởng bản Nong Hoi Dưới, xã Chiềng Ân, cho biết: Năm 2019, bản được đầu tư sửa chữa lại tuyến kênh mương dài hơn 1,2 km, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho trên 43 ha ruộng bậc thang. Hiện 130 hộ dân trong bản đều có ruộng bậc thang, bảo đảm lương thực quanh năm, không còn tình trạng thiếu đói giáp hạt như trước đây nữa.
Theo người dân trong xã, ruộng bậc thang đã được cha ông khai hoang từ bao đời nay, là nguồn cung cấp lương thực chính, ổn định cho nhân dân và là tài sản có giá trị mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao. Trước đây, do giao thông đi lại khó khăn, nên diện tích ruộng bậc thang chưa có nhiều, từ khi có các tuyến đường giao thông liên bản, tạo điều kiện người dân đưa cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cũng như thuận lợi trong việc vận chuyển nông sản.
Đặc biệt, những năm gần đây, ngoài đưa vào gieo cấy các giống lúa thuần địa phương như tẻ đỏ, tẻ trắng, bà con còn đưa giống lúa mới vào trồng, năng suất đạt trên 4 tấn/ha. Bà con còn chủ động mua máy cày bừa và máy tuốt lúa cải tiến thay thế việc dùng sức trâu và sức người như trước... Nhờ vậy, diện tích đất ruộng bậc thang ngày càng được tăng lên. Nếu năm 2015, toàn xã mới có gần 80 ha ruộng bậc thang, thì đến nay đã tăng lên gần 100 ha, sản lượng đạt trên 460 tấn thóc/năm, tập trung ở các bản: Nong Hoi Trên, Nong Hoi Dưới, Nong Bông, Sạ Súng, Hán Trạng... Nhiều hộ gia đình dư thừa lương thực đã bán, tăng thêm nguồn thu nhập.
Anh Cháng A Chu, bản Nong Bông, nói: Trước đây, gia đình tôi có 100 m² ruộng bậc thang do ông bà để lại, sau nhiều năm, gia đình mở rộng thêm nên hiện có hơn 5.000 m². Nhờ được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất cao hơn hẳn, vụ năm nay, gia đình tôi thu hơn 100 bao thóc, đủ lương thực cho gia đình trong cả năm. So với sản xuất cây lương thực trên nương thì thâm canh ruộng bậc thang hiệu quả hơn nhiều. Hơn nữa, làm ruộng bậc thang giữ được độ màu mỡ của đất, tốn ít thời gian chăm sóc, đặc biệt là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Việc mở rộng diện tích trồng lúa nước đã và đang góp phần giúp xã Chiềng Ân từng bước thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lúa, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong xã.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!